Doanh nghiệp vật liệu xây dựng đổi mới hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến hết năm 2021, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đang diễn ra tại 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ khoáng sản được tìm kiếm, điều tra, thăm dò và khai thác với quy mô khác nhau.
Cả nước có 308 giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tương đương cấp phép đang còn hiệu lực. Trong đó, đá ốp lát các loại với 93 giấy phép; đá vôi làm xi măng có 83 giấy phép, sét làm xi măng 59 giấy phép.
Tổng diện tích đã cấp phép các loại khoáng sản là 13.465 ha với tổng trữ lượng đã được cấp phép đưa vào khai thác là hơn 4.382 triệu tấn và đá ốp lát là hơn 170 triệu m3...
Theo ông Bắc, các quy hoạch khoáng sản đã góp phần đáng kể trong việc định hướng các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gần nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy hoạch đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. Do vậy, ông Bắc cho rằng, cần phải cập nhật, bổ sung số liệu về tài nguyên, trữ lượng và khoanh định tọa độ khép góc cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật về quy hoạch. Cùng đó, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác.
Vì thế, quy hoạch về diện tích và quy mô thăm dò, khai thác, chế biến cần rà soát, điều chỉnh để phù hợp nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp, đảm bảo phát triển hài hòa giữa ngành khai thác, chế biến khoáng sản với phát triển kinh tế tại địa phương.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Thịnh, chuyên gia kỹ thuật phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho hay, chi phí sử dụng năng lượng chiếm 30 - 40% tổng giá trị sản phẩm. Giá năng lượng đang cao có thể chiếm đến 50% chi phí nhiên liệu.
Theo ông Thịnh, VICEM đã xây dựng các giải pháp trong nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
VICEM đặt mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất thiết bị trong dây chuyền sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo than, đá vôi, sét, thạch cao... và giảm phát thải ra môi trường.
Cùng với đó, áp dụng khoa học, công nghệ để gia tăng tỷ lệ sử dụng rác thải thông thường làm nhiên liệu thay thế tại những dây chuyền có lợi thế với mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu là 25%; năm 2030 tối thiểu là 30%. Ngoài ra, nghiên cứu, thực hiện đồng xử lý chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt trong sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, dây chuyền sản xuất đang sử dụng công nghệ cũ, nếu muốn triển khai các chương trình trên thì VICEM phải đầu tư cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất; đầu tư mới hệ thống xử lý chất thải, các thiết bị phụ trợ như nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển... Cùng với đó, đầu tư mới các thiết bị quan trắc, giám sát phát thải, kiểm soát các chỉ tiêu về môi trường.
Tuy nhiên, theo ông, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, ông đề xuất Nhà nước cần tạo điều kiện, cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Đô cho rằng, mục tiêu phát triển bền vững, đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoàn toàn có thể đạt được nếu nhận được sự ủng hộ, khuyến khích và đồng hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa giúp các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi công nghệ sản xuất, nghiên cứu tìm các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm thải ô nhiễm môi trường, tiếp cận với các tiêu chí sản xuất xanh.
Khi đầu tư đổi mới công nghệ doanh nghiệp cần một lượng vốn rất lớn nên phải có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp như: vốn tín dụng, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Khôi Nguyên