DN đồng hành tăng sức mạnh cho hàng Việt
Có mặt tại buổi lễ, nhiều DN trong nước đã cho biết, trong thời gian gắn bó với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là chương trình Tiếp sức hàng Việt, sản phẩm của họ đã nhận được nhiều cảm tình của người tiêu dùng.
Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Công ty Nước mắm Liên Thành, cho biết, dù những kênh phân phối hiện đại khắc phục được những khuyết điểm của chợ truyền thống và thuyết phục người tiêu dùng đến với siêu thị ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch của người đến chợ truyền thống và siêu thị vẫn rất cao và đi chợ truyền thống vẫn là một nét duyên của các gia đình thuần Việt.
Thông qua chương trình này, Công ty Liên Thành đã tiếp cận được với người tiêu dùng dễ dàng hơn qua việc giới thiệu sản phẩm, đưa hàng về nông thôn. Cũng từ đó mà doanh số bán hàng của công ty cũng tăng lên.
Chọn mua sữa tươi Vinamilk tại cửa hàng số 63 Lâm Văn Bền, quận 7, TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc sản xuất Vinamilk, cũng chia sẻ: Người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng sản phẩm, nếu sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu về mặt chất lượng và giá cả phù hợp thì rất khó để thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình. Để làm được điều này, các DN phải tự nỗ lực đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm mới. đến nay Vinamilk đã phát triển được gần 2.000 điểm bán lẻ, bao gồm cả kênh truyền thống và chợ truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Thông qua chương trình này, sản phẩm của Vinamilk đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Tiếp tục cuộc hành trình vì người tiêu dùng
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, chương trình Tiếp sức hàng Việt bắt đầu từ năm 2009, đến nay đã thực hiện qua 4 giai đoạn với nhiều giải pháp hành động nhằm đẩy mạnh truyền thông cho hàng Việt nói chung và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, kích thích tăng trưởng kinh tế của nước nhà. Chương trình vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, bám sát những nhu cầu thực tế đặt trong bối cảnh kinh tế chung của đất nước để đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp trong thời gian sắp tới.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), để chợ truyền thống trở thành kênh phân phối và quảng bá cho hàng Việt, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đang triển khai dự án “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống”.
Để triển khai dự án này, BSA tổ chức vận động các DN đạt chứng nhận HVNCLC mạnh dạn đưa sản phẩm vào chợ. Tiếp theo là công tác huấn luyện và tập huấn cho tiểu thương kỹ năng bán lẻ. Các chuyên gia và các tiểu thương cùng trao đổi về những bí quyết, nguyên tắc giữ chân khách hàng. Không chỉ quảng bá hàng Việt và bán hàng, mục tiêu năm nay là phải “cắm” được các điểm bán, thiết lập hệ thống cửa hàng phân phối.
BSA và Hội DN HVNCLC sẽ làm việc với địa phương để được hỗ trợ địa điểm, các DN chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên bán hàng… Như vậy, hàng Việt sẽ đến với người tiêu dùng nhiều hơn, khắc phục được nhược điểm trước đây là hàng Việt chỉ đi qua một lần, đã được người tiêu dùng chấp nhận, muốn mua nhưng sau đó lại không biết mua ở đâu.
Sở Công thương cho biết, trong năm 2011, sở đã phối hợp với UBND quận huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng sản phẩm của DN Việt. Mặt khác, tổ chức hơn 700 hội chợ và chuyến bán hàng lưu động tại các quận huyện, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và quận huyện ngoại thành.
Đặc biệt, cùng với chương trình bình ổn giá, sở đã xúc tiến mở rộng các điểm bán hàng Việt trên khắp địa bàn thành phố. Đến nay đã có khoảng 4.000 điểm bán hàng bình ổn mà trong đó chủ yếu cung cấp cho người tiêu dùng là hàng Việt. Song song với hoạt động đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, sở đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, hàng gian, hàng giả, hàng lậu, xử lý nghiêm nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, bảo vệ DN làm ăn chân chính, góp phần ổn định thị trường.
Đã có hơn 15.000 trường hợp bị kiểm tra và có gần 5.000 trường hợp bị phát hiện vi phạm và xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng cần thừa nhận rằng, hiện năng lực sản xuất của một số DN Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng, chủng loại và giá cả. Không chỉ vậy, nhiều DN chưa thật sự chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng. Thậm chí, có DN còn thiếu cả kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng. Điều này đã ít nhiều làm hạn chế đáng kể sự gắn bó của khách hàng với sản phẩm Việt.
Đáng lo ngại hơn nữa là một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng thông qua đường tiểu ngạch tràn vào thị trường nước ta đang làm suy giảm đáng kể uy tín hàng Việt có chất lượng cao. Về lâu dài, gây ảnh hưởng, trở ngại cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh.
Do vậy, để hạn chế những tiêu cực trên, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng hàng Việt, trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì hoạt động thông tin, truyền thông để vận động cộng đồng ưu tiên dùng hàng Việt.
Mặt khác, tăng cường kết nối DN thành phố với thị trường tiêu thụ thông qua mở rộng hệ thống phân phối và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng những chương trình hành động khuyến khích sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng trong nước.