Định vị, duy trì những trụ cột của kinh tế ASEAN
Kiên trì các mục tiêu của khối ASEAN
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 21 và 3 hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Công Thương, Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Trong đó, ngoài hội nghị chính, 3 hội nghị liên quan gồm: Hội nghị giữa Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN với các Bộ trưởng Năng lượng, Giao thông, Nông nghiệp và Lâm nghiệp; Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Australia - Newzealand đặc biệt (AEM-CER); Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Vương quốc Anh lần thứ 2 (AEM-UK).
Các chủ đề được các đại biểu tập trung thảo luận gồm: ASEAN đối phó với các thách thức về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; Lộ trình phát triển bền vững của ASEAN và các sáng kiến liên ngành về phát triển bền vững như Chiến lược ASEAN về trung hòa các-bon; Khung Kinh tế tuần hoàn của ASEAN…
Ví dụ với biến đổi khí hậu, các Bộ trưởng kinh tế đã thảo luận cùng các Bộ trưởng phụ trách Năng lượng, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp và Giao thông vận tải để có thể thống nhất các sáng kiến hướng tới mục tiêu chung của toàn bộ khối ASEAN. Đặc biệt, những nội dung quan trọng khác của Cộng đồng Kinh tế ASEAN như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Lộ trình chuyển đổi số ASEAN (BSBR), Lộ trình bền vững ASEAN được bàn thảo rất kĩ.
Cũng tại hội nghị, chương trình đã rà soát tình hình thực hiện các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia (nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2022); thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và nghe Indonesia (nước Chủ tịch ASEAN năm 2023), trình bày sơ bộ về định hướng xây dựng các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế cho năm 2023. Trong đó, đại diện các quốc gia thành viên đều thống nhất phải kiên định, duy trì các Trụ cột kinh tế đã đạt được, đồng thời tiếp nối trong năm 2023.
Tầm nhìn ASEAN giai đoạn sau năm 2025
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại diện Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến cho các nội dung thảo luận, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2021-2025, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025 và xử lý những vấn đề tồn đọng trong đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA. Hội nghị AECC lần thứ 21 và các hội nghị liên quan.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đại biểu đã làm việc nghiêm túc theo kế hoạch, trong đó những sáng kiến đã được đưa ra bàn thảo để đảm bảo ASEAN đáp ứng được các thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các Bộ trưởng các quốc gia thành viên cũng dành nhiều thời gian để thảo luận việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (KHTT) đến năm 2025.
Trong 5 mục tiêu: (i) đưa ASEAN thành một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; (ii) một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; (iii) nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; (iv) một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; (v) một ASEAN toàn cầu – Việt Nam tham gia tích cực ở tất cả các mục tiêu. Sau đó, Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thông qua các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của KHTT trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với công tác xây dựng Tầm nhìn ASEAN giai đoạn sau năm 2025, các Bộ trưởng đã đưa ra các chỉ đạo cần thiết để xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 nhằm đảm bảo tính bao trùm và đem lại lợi ích thiết thực nhất cho các nước ASEAN, hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh cũng như củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong các liên kết khu vực khác. Bên cạnh các nội dung thảo luận để thúc đẩy hợp tác nội khối, các Bộ trưởng cũng đã tăng cường hợp tác với các đối tác.
Trong phần kết luận tại hội nghị và ra thống cáo chung, các quốc gia thành viên đều đi đến thống nhất các hoạt động hợp tác kinh tế giữa các quốc gia nội khối với nhau, giữa ASEAN với bên ngoài, trong đó tập trung vào các dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, tài chính, giáo dục, kinh tế, an ninh lương thực, chuyển gia công nghệ…
Nam Phương