Điều gì thực sự ngăn cản ông Biden đạt được thỏa thuận với ông Putin về vấn đề Ukraine?
Theo đó, với chiến thắng trong bầu cử vào Hạ viện, cán cân quyền lực trong chính trường Mỹ đã thay đổi theo hướng có lợi cho đảng Cộng hòa.
Điều này làm cho công việc của chính quyền Tổng thống Joe Biden trở nên phức tạp và khó khăn hơn trong việc thông qua các quyết sách nên sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong việc thông qua các quyết định quan trọng, nhất là liên quan đến tài chính và hỗ trợ cho Ukraine trong thời gian tới.
Đôi khi tổng thống phải sử dụng quyền phủ quyết. Nói chung, điều này có nghĩa là chính quyền ông Biden sẽ yếu hơn hiện nay, các chương trình sẽ được sửa đổi, có thể mềm mỏng hơn, thậm chí sẽ phải nhượng bộ trong một số vấn đề nhất định và tìm kiếm cơ hội để tạo ra liên minh giữa các bên. Tất nhiên, tất cả điều này làm phức tạp “trò chơi chính trị” của Mỹ.
Sau đây là bài phỏng vấn của phóng viên Izvestia đối với ông Kortunov:
Phóng viên: Kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng thế nào đến lập trường của Mỹ đối với Ukraine?
Chuyên gia Kortunov cho rằng: “Đối với tôi, dường như sẽ không có thay đổi đáng kể nào, vì ở Mỹ luôn có sự đồng thuận ổn định lưỡng đảng về chủ đề này. Ngoài ra, nhiều quyết định liên quan đến hỗ trợ cho Kiev vào năm tới sẽ được đưa ra bởi Quốc hội hiện tại, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số. Tất cả những thay đổi có thể xảy ra liên quan đến bản chất, mức độ hỗ trợ tài chính của Ukraine, nếu chúng xảy ra, sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2024.
Tuy nhiên, một số vấn đề có thể phát sinh. Ví dụ, các thành viên đảng Cộng hòa có khả năng nêu vấn đề phân bổ lại trách nhiệm giữa Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu theo hướng có lợi cho bên thứ hai để châu Âu gánh thêm nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine. Tôi thừa nhận đảng Cộng hòa sẽ chú ý nhiều hơn đến các vấn đề nội bộ tồn tại ở Mỹ. Theo nghĩa này, toàn bộ chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến Ukraine”.
Phóng viên: Triển vọng quan hệ giữa Mỹ và Nga như thế nào? Căng thẳng giữa các quốc gia có thể giảm đi trong những điều kiện nào?
Chuyên gia Kortunov nhận định: “Cơ hội để khôi phục quan hệ Nga-Mỹ không mấy thuận lợi, nhất là khi hiện nay không có đại sứ Mỹ ở Moscow. Tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là không thể làm gì được.
Điều đầu tiên Moscow và Washington có thể làm là khôi phục đối thoại về vấn đề hạt nhân, nối lại liên lạc giữa Bộ Ngoại giao. Cả hai bên đều quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro của một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp mà có nguy cơ phát triển thành cuộc đụng độ hạt nhân”.
Hiện tại, các quốc gia có thể thảo luận về việc tăng cường ổn định chiến lược và nối lại kiểm soát vũ khí hạt nhân, bất chấp những khác biệt sâu sắc về các vấn đề quốc tế lớn và sự tiếp diễn của cuộc xung đột ở Ukraine. Sau đó, cuộc đối thoại này có thể được mở rộng để xem xét các vấn đề về an ninh châu Âu và hợp tác giữa Nga và NATO.
Và cuối cùng trở lại với chương trình nghị sự về đảm bảo an ninh, vốn đã được Nga và phương Tây thảo luận cách đây một năm và bị lãng quên sau ngày 24/2/2022. Nếu một cuộc đối thoại như vậy có thể được khôi phục, đó sẽ là một thành tựu lớn trong việc cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Hạ Thảo (lược dịch)