Điện, khí đốt và xăng dầu ở Đức sắp chỉ dành cho người giàu
Theo tờ Bild của Đức, mùa đông năm nay đối với người dân nước này sẽ là đắt nhất trong nhiều thập kỷ. Giá điện, khí đốt và xăng dầu tiếp tục tăng, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ chỉ dành cho người giàu.
Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp của chính phủ Đức như cắt giảm thuế sẽ không giúp hạn chế sự tăng trưởng này mà chỉ làm tăng doanh thu của các nhà cung cấp năng lượng.
Theo Bild, hạn hán ở Nam Mỹ đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy thủy điện. Để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng, các nước trong khu vực bắt đầu mua khí đốt. Do đó, nhu cầu về nhiên liệu xanh ngày càng tăng và kéo theo đó là giá thành.
Điện, khí đốt và xăng dầu ở Đức sắp chỉ dành cho người giàu. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, mưa lớn ở Trung Quốc đã làm ngập các mỏ than lớn. Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, châu Á đã trải qua một cuộc bùng nổ kinh tế, dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, các nước Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã nhất trí không tăng sản lượng khai thác dầu.
Đồng thời, do ảnh hưởng của bão, nguồn cung “vàng đen” từ vịnh Mexico tạm thời bị gián đoạn. Kết quả là, giá thành của nó ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục trong vòng 7 năm qua.
Tại Đức cũng có một vấn đề khác, đó là sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và chủ yếu là khí đốt của Nga. Đức nhập khẩu 90% nhiên liệu. Hơn một nửa (55%) đến từ Nga, 30% đến từ Na Uy, 13% đến từ Hà Lan. Trong khi đó, giờ đây Hà Lan đang cắt giảm khối lượng sản xuất, và điều này khiến nền kinh tế Đức ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Điện Kremlin.
Một số chuyên gia nhận định, thay vì tăng nguồn cung và kiếm tiền từ giá khí đốt cao trên thị trường châu Âu, thì ngược lại, Nga đang cắt giảm xuất khẩu ở mức tối thiểu vì lý do chính trị. Cụ thể, để đạt được chứng nhận về đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) và ký kết các hợp đồng dài hạn với Liên minh châu Âu (EU) về việc cung cấp nhiên liệu, do đó châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.
Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí và điện bán ra ở châu Âu. Vào tháng 9, một megawatt/giờ ở Đức có giá hơn 100 euro, gần gấp đôi mức giá hồi đầu năm và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Để hạn chế sự gia tăng giá, chính phủ Đức đã cắt giảm phí năng lượng tái tạo thông qua trợ cấp.
Tuy nhiên, chính phủ Đức tương lai sẽ bãi bỏ hoàn toàn những khoản khấu trừ này. Theo các nhà phân tích, giá điện sẽ tiếp tục tăng trong thời điểm hiện tại. Giảm thuế điện và thuế giá trị gia tăng, như ở Tây Ban Nha và Italy, sẽ không giúp ích gì cho người dùng cuối, mà chỉ làm tăng doanh thu của các nhà cung cấp năng lượng.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá năng lượng tăng vọt trong tháng 8 đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong 13 năm qua, khi giá các mặt hàng khác tăng theo.
Mùa đông giá rét đang tới gần. Giải được bài toán năng lượng sẽ giúp các nền kinh tế châu Âu nói chung và Đức nói riêng nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, tạo chuyển biến tích cực cho các nền kinh tế trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, thậm chí áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cắt điện. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cơ bản và lâu dài.
Mỹ và Israel sẵn sàng ‘kế hoạch B’ cho chương trình hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Mỹ và Israel cho biết, Washington và Tel Aviv sẵn sàng chuyển sang các phương án thay thế để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran trong trường hợp thất bại tại các cuộc đàm phán.
Thanh Bình (lược dịch)