Mỹ và Israel sẵn sàng ‘kế hoạch B’ cho chương trình hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Mỹ và Israel cho biết, Washington và Tel Aviv sẵn sàng chuyển sang các phương án thay thế để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran trong trường hợp thất bại tại các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid mới đây đã thông báo rằng nếu các cuộc đàm phán với Iran tại Vienna về việc trở lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) không dẫn đến bất kỳ kết quả rõ ràng nào, thì Washington và Tel Aviv sẽ đi đến kết quả giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân Iran theo một “kế hoạch B”.
National Interest cho hay, ông Blinken và Lapid nói rằng nếu Iran không thiện chí quay lại bàn đàm phán thì Mỹ và Israel có “các lựa chọn khác” để hành động liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Mỹ và Israel sẵn sàng ‘kế hoạch B’ cho chương trình hạt nhân Iran. (Ảnh: Reuters) |
“Kế hoạch B là gì, các quan chức không nói rõ, nhưng cả hai nước chứng minh trong quá khứ rằng họ có một kho vũ khí bên cạnh các công cụ ngoại giao, từ biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn hoặc các hoạt động bí mật khác”, chuyên gia National Interest nhận định.
“Mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây chỉ ra rằng họ chủ yếu tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và đạt được sự đồng thuận mới với Iran thông qua ngoại giao, nhưng sự tồn tại của các lựa chọn khác có thể sẽ giúp Washington đạt được mục tiêu. Mặt khác, việc sử dụng các hoạt động bí mật trong trường hợp thất bại tại các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ là một thảm họa đối với ông Biden, vì nó sẽ cho thấy rằng họ chưa bao giờ có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề”, chuyên gia giải thích.
Trong khi đó, những lời của hai ngoại trưởng không cho thấy bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chính sách của Washington và Tel Aviv, các quan chức về cơ bản thừa nhận chính phủ của cả hai quốc gia đang xem xét “các cách tiếp cận thay thế” trong trường hợp đàm phán ở Vienna thất bại.
Theo National Interest, mặc dù Israel không tham gia JCPOA, nhưng nước này là đối thủ chính của Iran trong khu vực và do đó quan tâm đến việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu trước kia là một trong những người phản đối gay gắt nhất thỏa thuận này.
“Các cuộc đàm phán trên lý thuyết giữa Washington và Tehran ở Vienna vẫn đang diễn ra, nhưng trên thực tế chúng đã đi vào bế tắc. Iran trước đó bày tỏ sự sẵn sàng tham gia, nhưng không cho biết chính xác khi nào họ sẽ tham gia và trong khi đó, chính quyền Iran bắt đầu vi phạm các giới hạn làm giàu uranium do JCPOA thiết lập. Vì điều này, ông Blinken nói rằng Tehran ngày càng có ít thời gian để khôi phục thỏa thuận hạt nhân”, National Interest kết luận.
Iran nói rằng các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna đang gần đến giai đoạn cuối. (Ảnh: IRNA) |
Các cuộc đàm phán gián tiếp về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị ngưng trệ kể từ tháng 6 vừa qua sau khi Iran có chính quyền mới. Tuy nhiên, đầu tuần này, phía Iran cho biết, nước này dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với các bên liên quan vào đầu tháng 11 tới.
Theo Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna đang gần đến giai đoạn cuối nhưng Mỹ và các nước châu Âu vẫn chưa thực hiện các bước cần thiết để thúc đẩy đàm phán.
Ông Raisi khẳng định Iran sẽ không rút lui khỏi các quyền của mình và hoan nghênh các cuộc đàm phán tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Iran muốn các cuộc đàm phán có kết quả.
Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Hiện các bên đang thúc đẩy đàm phán cứu vãn thỏa thuận này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng 6 vừa qua do sự thay đổi lãnh đạo ở Iran.
Taliban đáp trả những lo ngại của ông Putin về các tay súng IS ở Afghanistan
Những lo ngại của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến sự hiện diện của các chiến binh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền bắc Afghanistan là không có cơ sở.
Thanh Bình (lược dịch)