Điện Biên: Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển KT-XH
Thực hiện Luật Di sản văn hóa và triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết TW5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành nghị quyết về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là bảo tồn văn hóa các dân tộc; đầu tư phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Việc triển khai thực hiện Đề án đến nay đã có những hiệu quả nhất định.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là công trình trọng điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. |
Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đang được quan tâm để bảo vệ nguyên trạng, chống xâm hại, xuống cấp và triển khai với quy mô lớn, phạm vi rộng; tập trung vào việc khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Tại khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã triển khai tu bổ, tôn tạo các điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Công tác bảo trì, duy tu, sửa chữa thường xuyên được tỉnh chú trọng triển khai, nhằm chống xuống cấp đối với các di tích. Ngoài ra, huyện Tuần giáo đã tổ chức xây dựng khu tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính và các anh hùng liệt sĩ tại xã Pú Nhung, huyện Tủa Chùa đã triển khai dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và Khó Chua La.
UBND tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy Đề án bảo tồn, tồn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Phương án kiến trúc Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng, huyện Điện Biên; Đền thờ các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để phát huy giá trị của di tích, tỉnh Điện Biên cũng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền: Tăng cường các hoạt động thông tin xúc tiến du lịch, xuất bản tờ rơi giới thiệu các điểm di tích, du lịch, phát hành các tài liệu, cẩm nang thông tin du lịch, đăng tải các tin bài giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích….
Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Điện Biên cũng đã tiến hành phục dựng, bảo tồn văn hóa các dân tộc như: Bảo tồn lễ Dù Su của dòng họ Mùa, dân tộc Mông; Lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Khơ Mú; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun; Lễ ma khô của dân tộc Mông; Lễ cúng bản (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; Lễ ăn mừng cơm mới của dân tộc Si La; Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao; Lễ cưới truyền thống dân tộc Xạ Phang; Phục dựng, bảo tồn lễ Bun Huột Nặm (Tết té nước) dân tộc Lào; Phục dựng, bảo tồn Lễ cầu mùa của dân tộc Si La; Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao.
Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Điện Biên là 1 trong 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưavào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đã có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: di sản Nghệ thuật Xòe Thái; Tết Nào pê chầu của người Mông đen; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng; Lễ hội đền Hoàng Công Chất; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào và di sản Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông.
Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện đề xuất xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Nhất - năm 2015 và tiếp tục đề nghị xét tặng các cá nhân trong đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Hai - năm 2018 để kịp thời tôn vinh những cá nhân đã có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ di sản Then Thái, Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.