Điểm tên những cái tên “đình đám” được vinh danh Thương hiệu Quốc gia 2022 (Bài 1)
Trong số các doanh nghiệp đã được người tiêu dùng “quen mặt biết tên”, những thương hiệu lớn hay còn gọi là “đình đám” như Hòa Phát, Vinamilk, Hồng Hà, Bảo Việt, Vissan…
Tập đoàn Hòa Phát - 6 lần liên tiếp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia
Qua hơn 9 tháng phát động và xét chọn, Hòa Phát được bình chọn vào chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2022 với 4 nhóm sản phẩm gồm thép xây dựng, ống thép, tôn mạ màu, mạ kẽm và điện máy gia dụng. Trước đó, Hòa Phát được vinh danh vào các năm 2012, 2014, 2016, 2018 và 2020.
Đây là những sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và là những sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam. Các sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, bền vững cho xã hội.
Theo Ban tổ chức, Hòa Phát không chỉ giữ thị phần số 1 Việt Nam ở các lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, Top 5 thị phần tôn mạ, mà còn dẫn đầu cả nước về cung cấp bò Úc tại Việt Nam và dẫn đầu miền Bắc về sản lượng trứng gà sạch. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã ghi nhận 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Thực tế trong nhiều năm qua, thương hiệu Hòa Phát được lựa chọn là Thương hiệu Quốc gia, Top Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Sao Vàng Đất Việt, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 30 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam, 20 thương hiệu doanh nghiệp có giá trị trên 100 triệu USD của tạp chí Forbes Việt Nam, Top 10 Thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam…
Vinamilk – Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới
Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) lần thứ 7 liên tiếp đã được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia, sở hữu danh hiệu lớn này trong 14 năm liền từ 2010-2024 cũng là một cái tên “đình đám” khác.
Cụ thể, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) lần thứ 7 liên tiếp đã được vinh danh là THQG, sở hữu danh hiệu lớn này trong 14 năm liền từ 2010-2024. Danh hiệu này tiếp nối chuỗi thăng hạng về thương hiệu đầy ấn tượng trong năm nay ở cả trong và ngoài nước của Vinamilk như Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và tiềm năng nhất toàn cầu với định giá 2,8 tỷ USD (Brand Finance), Thương hiệu giá trị cao nhất trong ngành F&B (Forbes Việt Nam).
Thông qua 3 tiêu chí cốt lõi thể hiện năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, bao gồm Chất lượng - Đổi mới; Sáng tạo; Năng lực tiên phong, giải thưởng Thương hiệu quốc gia năm nay đã tôn vinh 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp đi đầu, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Trước đó vào tháng 9/2022, theo báo cáo của Brand Finance, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển THQG và là THQG có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 với mức kỷ lục 74%. Cụ thể, năm 2019 giá trị THQG Việt Nam là 247 tỷ USD, thì đến năm 2022, giá trị đã đạt đến 431 tỷ USD, giúp Việt Nam được nâng hạng trong Top 100 giá trị THQG mạnh trên thế giới.
Sự tăng trưởng kỷ lục này cũng có dấu ấn rất lớn từ những thương hiệu năng động, nhạy bén biến thách thức thành cơ hội và quản trị thương hiệu tốt, từ đó góp phần gia tăng giá trị Thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Riêng trong ngành sữa, Vinamilk hiện là thương hiệu có giá trị cao nhất. Các sản phẩm đặc trưng, tạo dựng được tình yêu thương hiệu đối với người tiêu dùng như Sữa bột Vinamilk Dielac; Sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 100%; Sữa đặc có đường Ông Thọ; Sữa chua uống men sống Probi; Sữa chua Vinamilk đã tiếp tục được vinh danh là sản phẩm đạt THQG năm 2022-2024.
Năm nay, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) với 2 sản phẩm chủ lực Sữa tươi và Sữa chua Mộc Châu Milk cũng đã lần đầu tiên được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Sau gần 3 năm trở thành thành viên của Vinamilk, đây là kết quả đáng ghi nhận của quá trình đổi mới toàn diện về phát triển thương hiệu, hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Mộc Châu Milk cũng nằm trong Top 25 thương hiệu F&B dẫn đầu với giá trị 28 triệu USD.
Quay lại với Vinamilk cùng các chiến lược về định vị, xây dựng và đưa thương hiệu đi ra thế giới, doanh nghiệp này đang giữ phong độ trên hành trình tiến đến mục tiêu Top 30 Doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới (thứ hạng hiện tại: 36). Là thương hiệu tiềm năng nhất toàn cầu, theo các chuyên gia từ nhiều tổ chức đánh giá, Vinamilk còn nhiều cơ hội để thương hiệu sữa “tỷ đô” này tiếp tục gia tăng mạnh về giá trị trong giai đoạn mới.
Vinamilk tính đến nay đã xuất khẩu đi 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vinamilk hiện có hơn 45 đơn vị thành viên trong và ngoài nước, trong đó có đến 17 nhà máy, 15 trang trại cùng hơn 20.000 người lao động. Năm 2021, Vinamilk đạt doanh thu hơn 61.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 4.794 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đang triển khai loạt dự án lớn như Nhà máy sữa Hưng Yên, Thiên đường sữa Mộc Châu, Liên doanh với Nhật trong mảng bò thịt…
Hải Việt