Dịch tả lợn Châu Phi lan 44 tỉnh thành, tiêu hủy hơn 2 triệu con lợn
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chiều 30/5, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp bàn tìm giải pháp thu mua, cấp đông thịt lợn. Hàng chục doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, kinh doanh cũng tới tham dự.
Tính đến ngày 30/5, cả nước đã có hơn 2 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan ra 44 tỉnh, thành phố với hơn 2 triệu con lợn bị tiêu hủy (gần 7% tổng đàn lợn).
“Đường lây truyền của dịch tả lợn Châu Phi hết sức phức tạp, chưa có vắc xin phòng chống, thời tiết lại diễn biến khó lường, mật độ chăn nuôi cao, việc ngăn chặn hết sức khó khăn”, Thứ trưởng Tiến cho hay.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Tiến, khả năng dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh và thành phố, không chừa tỉnh nào. Ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt.
Lo lắng trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ: “Đáng ra theo kế hoạch cuộc họp ngày mai mới tiến hành nhưng chúng tôi nhận thấy phải tổ chức sớm phút nào hay phút ấy. Hiện nay, thịt lợn giá thành thấp, khó bán nhưng mấy tháng tới thì không biết thế nào, thậm chí không có thịt mà bán chứ đừng nói giá bao nhiêu”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây là việc không chỉ riêng Bộ NN&PTNT mà của chung cả nước, của toàn dân. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là đảm bảo cân đối cung - cầu.
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, tránh tình trạng sốt giá đồng thời giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, giải pháp khả thi bây giờ là tổ chức thu mua lợn sạch, cấp đông dự trữ để nay mai khi hết nguồn cung, nguồn cung giảm thì cung cấp ra thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, cần phải triển khai nhanh các biện pháp trước khi dịch lan khắp cả nước. “Làm gì cũng phải nhanh nếu không nay mai không còn lợn để mà bán nữa. Lợn thu mua phải là lợn đảm bảo vệ sinh, kiểm tra chất lượng mới thu mua”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc này, không phải Nhà nước, Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp có thể đứng ra thu mua được mà chính là doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đề xuất đưa mặt hàng thịt lợn vào kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường các biện pháp kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh, chỉ đạo làm tốt công tác tiêu hủy nhằm giảm khả năng lây lan, từng bước khống chế dịch.
Chỉ đạo sản xuất chăn nuôi các sản phẩm khác thay thế thịt lợn trong giai đoạn cách ly tại các vùng dịch để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường; Chứng nhận các sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn (chi phí lưu kho, 1 phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông...).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên các gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, cũng như khả năng tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua và cấp đông thịt lợn.