Đi bộ mang lại lợi ích tuyệt vời cho tim mạch
Cuối tuần qua, hơn 500 nhân viên y tế của BV đại học Y Dược TP.HCM đã cùng nhau đi bộ trong Chương trình Đi bộ vì trái tim khoẻ mạnh. Chương trình này nhằm hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa bệnh lý tim mạch và duy trì trái tim khỏe mạnh.
GS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hiện nay một trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta là bệnh lý tim mạch.
Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch gây tử vong khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số.
Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
GS Bình cho biết tập luyện được xem là cách thay đổi chỉ số bệnh lý tim mạch tốt nhất, trong đó có việc đi bộ. Đi bộ hàng ngày 30 phút sẽ làm tăng nhịp tim của bạn.
Nhịp tim càng cao thì sự lưu thông máu trong cơ thể càng tốt. Đi bộ nhanh cũng có thể giúp giảm nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao, giúp ích cho việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Đi bộ là một bài tập cường độ thấp có thể giúp giảm cân và giảm mỡ bụng. Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ thừa cân đi bộ từ 50-70 phút ba lần một tuần trong 12 tuần sẽ giảm được 1,1 inch vòng eo và giảm 1,5% lượng mỡ trong cơ thể.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, đi bộ hay vận động giúp tăng lưu thông máu trong cơ thể, tăng cường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến tim và các cơ quan, từ đó giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Khi đi bộ, bạn đạt được tần số tim < 70 nhịp/phút đều đặn góp phần cải thiện sức khỏe hệ tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, tần số tim (tức số lần tim co bóp trên mỗi phút) càng cao thì nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch càng lớn. Ở người bình thường, tần số tim tối ưu ở khoảng 70 nhịp/phút (lúc nghỉ).
Đối với người có bệnh lý mạch vành, tần số tim cần giữ < 70 nhịp/phút (tối ưu ở khoảng 55 - 60 nhịp/phút) để ngăn ngừa các biến cố tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để tần số tim lúc nghỉ đạt < 70 nhịp/phút, người có bệnh lý tim mạch cần sử dụng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ. Bên cạnh đó, việc tập luyện các bộ môn đơn giản như đi bộ, bơi lội, chạy bộ… cũng giúp làm giảm tần số tim.
Các chuyên gia tim mạch thường khuyến cáo những người có bệnh tim mạch việc tập luyện chọn đi bộ là biện pháp đơn giản nhất. Đi bộ 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 lần mỗi tuần trong vòng 3 – 6 tháng có thể làm giảm được 10% tần số tim so với lúc đầu, giúp phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
Ngoài ra, khi còn trẻ chăm chỉ đi bộ, bạn không bị tàn tật khi về già. Kết quả của cuộc nghiên cứu là những người lớn tuổi từ 70 đến 89 tuổi tập thể dục thường xuyên ít có nguy cơ bị tàn tật lên đến 28% và 18%.
GS TS BS. Trương Quang Bình cho biết, tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh nền, bác sĩ sẽ cá thể hóa từng người để áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng, tập luyện và điều trị sao cho phù hợp.
Đặc biệt, việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…) là một yếu tố rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch.
Đối với chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm chất béo và hạn chế muối. Thêm vào đó việc tuân thủ bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia cũng vô cùng quan trọng.
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và phòng ngừa sớm các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim mạch.
Đối với người đang điều trị bệnh tim mạch, cần tuân thủ điều trị và chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp để đạt hiệu quả, tránh các biến chứng có thể xảy ra và duy trì trái tim khỏe mạnh.
Phương Thúy