ĐH Hùng Vương TPHCM: Đảm bảo 50 sinh viên còn lại tốt nghiệp đúng thời hạn
Lãnh đạo ĐH Hùng Vương TPHCM làm việc với các phóng viên ngày 11/3 |
TS Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường cho biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Hùng Vương đã có văn bản gửi trường ngày 10/12/2015 khẳng định chủ trương là trường sẽ xây dựng một đội ngũ nòng cốt để đảm bảo hoạt động của trường diễn ra bình thường cho đến thời hạn của Bộ GDĐT (31/8/2016).
Theo lãnh đạo nhà trường, đã có 83 người đồng ý thỏa thuận thôi việc với trường bắt đầu từ ngày 5/4/2016 (4 người đã nghỉ trước đó) và nhà trường đang chuẩn bị ký lại hợp đồng với đội ngũ nòng cốt trong tháng 3, trong đó có các giảng viên để duy trì hoạt động của trường đến tháng 8/2016.
Hiện nay, trường còn tổng số 50 sinh viên, trong đó có 9 sinh viên ĐH chính quy ngành Xây dựng và 41 học viên hệ vừa học vừa làm. 9 sinh viên chính quy này sẽ tốt nghiệp trong tháng 3, các em đã làm xong đồ án, chấm phản biện, chấm điểm rèn luyện… chỉ còn lập Hội đồng xét tốt nghiệp là hoàn thành và Hội đồng này sẽ được thành lập trong tháng 3, đảm bảo các em tốt nghiệp đúng thời hạn. Bằng tốt nghiệp của 9 sinh viên chính quy do Phó Hiệu trưởng thường trực Tạ Thị Kiều An ký.
41 học viên hệ vừa học vừa làm, trong đó có 12 học viên ngành Quản trị kinh doanh, 7 học viên ngành Quản lý bệnh viện, 9 học viên ngành Công nghệ thông tin, 6 học viên ngành Ngôn ngữ Anh và 7 học viên ngành Ngôn ngữ Nhật.
Bà An cho biết, theo đúng quy chế của Bộ GDĐT, để giảng dạy cho 50 sinh viên này, nhà trường chỉ cần 2 giảng viên nhưng với mục đích đảm bảo quyền lợi tối đa cho sinh viên, trường vẫn duy trì giảng viên của tất cả các ngành. Theo đúng tiến độ, các học viên hệ vừa học vừa làm này sẽ tốt nghiệp trong tháng 5 và tháng 6.
Tuy nhiên, bà An cho biết, theo văn bản của Bộ GDĐT gửi trường từ tháng 8/2015, đến 31/8/2016 nếu trường không khắc phục được các tồn tại vẫn có thì sẽ xem xét dừng hoạt động. Đến thời điểm đó, nếu vẫn còn học viên chưa tốt nghiệp (học viên được quyền xin bảo lưu kết quả, kéo dài thời gian học theo đúng quy định của Bộ GDĐT) mà trường đã dừng hoạt động thì Bộ GDĐT phải có hướng giải quyết cho các học viên này.
Trở lại việc nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả các cán bộ, giảng viên, ThS Mạch Trần Huy, Phó phòng Tổ chức pháp chế nhà trường cho biết, trường học không phải là doanh nghiệp nên chỉ vận dụng theo Luật Lao động và Luật Giáo dục chứ không phải Luật Doanh nghiệp. Việc nhà trường thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 79 cán bộ giảng viên cũng như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với 26 người là hoàn toàn làm theo Luật Lao động.
Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường đã có thông báo công khai và có 3 ngày làm việc với các cán bộ, giảng viên về chủ trương này, đồng thời cũng đã có báo cáo gửi UBND TPHCM cũng như Liên đoàn lao động thành phố, Lãnh đạo nhà trường khẳng định, cho đến thời điểm này, trường chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại, khiếu kiện nào của cán bộ, giảng viên về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
ThS Mạch Trần Huy cho biết, trước thực tế nhà trường không được tuyển sinh 4 năm liên tiếp, không còn nguồn thu, số tiền lỗ lên tới hơn 60 tỷ đồng thì không thể duy trì bộ máy 105 người như trước được vì trường không còn khả năng trả lương. Trong thời điểm hiện tại, việc trường chấm dứt hợp đồng lao động với các cán bộ, giảng viên để nhằm cố gắng đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động.
Được biết, 79 cán bộ giảng viên thỏa thuận thôi việc với trường đã được nhận trợ cấp thôi việc, trong đó người được nhận trợ cấp thôi việc cao nhất lên đến gần 189 triệu đồng.