Đếm voi từ không gian, khó tin nhưng có thật
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách đếm số lượng con trong một đàn voi ở Nam Phi từ không gian bằng vệ tinh và công nghệ AI.
Đếm đàn voi châu Phi từ khoảng cách bên ngoài Trái đất |
Đây là lần đầu tiên các chuyên gia có thể phát hiện ra động vật chi tiết qua vệ tinh trong một bối cảnh địa lý phức tạp.
Voi châu Phi là loài động vật đầu tiên các nhà khoa học có thể đếm số lượng thành công từ không gian trong khi di chuyển qua một cảnh quan phức tạp từ đồng cỏ đến rừng.
Các nhà nghiên cứu kết hợp các hình ảnh độ phân giải cao chụp từ khoảng cách 600 km bên trên bề mặt Trái đất nhờ các vệ tinh Worldview 3 và 4 và máy tính để đếm số lượng voi ở Vườn quốc gia voi Addo ở Nam Phi.
Thông thường, các nhà bảo tồn đếm và theo dõi đàn voi châu Phi từ máy bay thấp, một phương pháp mất khá nhiều thời gian.
Với kỹ thuật mới kết hợp trí tuệ nhân tạo, họ có thể khảo sát khu vực lên tới 5.000 km vuông trong một vài phút. Các thuật toán máy tính sẽ phân tích hình ảnh và chọn ra đếm từng con. Kết quả của nghiên cứu cho thấy dùng AI phát hiện từng con voi độ chính xác tương đương mắt người.
Isla Duporge, nhà động vật học tại Đại học Oxford ở Anh, tác giả chính nghiên cứu cho biết: "Các tổ chức bảo tồn quan tâm đến việc sử dụng kết quả này để thay thế các cuộc khảo sát sử dụng máy bay như trước đây".
Phương pháp cho kết quả nhanh, chính xác |
Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới WWF, do nạn săn trộm và môi trường sống bị phá hủy, chỉ có 415.000 con voi châu Phi đi lang thang trong tự nhiên .
Điều thực sự làm cho nghiên cứu này nổi bật hơn so với các dự án theo dõi vệ tinh khác là chương trình máy tính đã thành công trong việc chọn ra những con voi chính xác trong bối cảnh phức tạp.
Quan trọng nhất là phương pháp tiến hành nhanh hơn, cho kết quả chính xác, tránh được việc đếm hai con voi giống nhau hay tránh sai sót khi con voi di chuyển giữa các quốc gia khác nhau ở khu vực biên giới.
Kỹ thuật mới là một phần quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại của loài voi châu Phi, được Sách đỏ IUCN liệt kê là "dễ bị tuyệt chủng", đây là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về các mối đe dọa tuyệt chủng đối với động vật hoang dã do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tạo ra.
Trong tương lai, khi hình ảnh vệ tinh được cải thiện, các loài động vật có kích thước nhỏ hơn có thể cũng sớm được ghi hình và đếm từ không gian. Kết quả nghiên cứu công bố trực tuyến vào ngày 23 /12 /2020, trên tạp chí Viễn thám trong Sinh thái và Bảo tồn.
Khoảnh khắc kinh hoàng cá sấu tìm cách giật rơi máy bay không người lái
Cảnh phim đáng kinh ngạc ghi lại khoảnh khắc cá sấu xoay sở tìm cách giật máy bay không người lái trên mặt nước
Hoàng Dung (lược dịch)