Đề thi và gợi ý đáp án môn Văn tuyển sinh lớp 10 tại Đắk Lắk năm học 2018 - 2019

Cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh tham dự cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Đắk Lắk đã hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn của mình. Báo điện tử Infonet xin giới thiệu đề thi và gợi ý đáp án môn Văn tuyển sinh lớp 10 tại Đắk Lắk năm học 2018 - 2019:

Đề thi môn Văn tuyển sinh lớp 10 tại Đắk Lắk năm học 2018 - 2019:

Câu 1 (2 điểm):

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau đây:

Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên con đường đời.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2017, tr.70, 71)

1) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

2) Chỉ rõ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất? (1,0 điểm)

3) Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến: “... tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la.” (0,5 điểm)

Câu 2 (3,0 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 250 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu trong đoạn trích: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên con đường đời.”

Câu 3 (5,0 điểm)

Về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, sách Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2017, trang 60 có viết: “Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.”

Anh (chị) hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong làng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ .
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

(Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2017, tr.58)

Gợi ý đáp án môn Văn tuyển sinh lớp 10 tại Đắk Lắk năm học 2018 - 2019:

Câu 1:

1) Phương thức biểu đạt chính là Nghị luận

2) Đoạn văn thứ nhất sử dụng biện pháp tu từ:

+ điệp ngữ: "người có tính khiêm tốn" nhằm nhấn mạnh và tạo điểm nhấn về những đặc điểm của người có đức tính khiêm tốn.

+ liệt kê: "tự cho mình là kém, phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, học hỏi thêm" nhằm diễn tả đầy đủ hơn, sâu sắc hơn biểu hiện của tính khiêm tốn

3) Ý kiến: "...tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la" có nghĩa là:

Tuy tài năng, hiểu biết của mỗi người tuy quan trọng nhưng hữu hạn, bé nhỏ như những giọt nước trong thế giới rộng lơn vô hạn "đại dương bao lai" vì thế cần phải khiêm tốn học hỏi.

Qua đó tác giả cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn thành công trên con đường đời, chúng ta cần trang bị thêm đức tính khiêm tốn.

Câu 2: Các em cần đạt được các ý kiến sau đây:

1. Giải thích thế nào là lòng khiêm tốn

- Khiêm tốn là đức tính nhã nhặn, nhún nhường, không đề cao cái mình có và luôn coi trọng người khác

- Thành công là đạt được kết quả như mong muốn,thực hiện được mục tiêu đề ra.

=> Khiêm tốn là đức tính không thể thiếu giúp con người thành công trong cuộc sống.

2. Phân tích

- Con người phải khiêm tốn vì cá nhân dù có tài giỏi đến đâu cũng chỉ là những giọt nước nhỏ bé giữa đại dương bao la. Phải luôn học hỏi, học nữa, học mãi.

- Khiêm tốn là phẩm chất quan trọng và cần thiết của con người.

- Khiêm tốn là biểu hiện của con người đúng đắn, biết nhìn xa trông rộng được mọi người yêu quý.

- Khiêm tốn giúp con người biết mình và hiểu người.

3. Bàn luận và mở rộng.

Khiêm tốn không có nghĩa là mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin.

4. Bài học và liên hệ bản thân.

- Trân trọng những người khiêm tốn, phê phán những người thiếu khiêm tốn luôn tự cao, tự đại cho mình là nhất và coi thường người khác.

- Học lối sống khiêm tốn để ngày càng hoàn thiện mình và không ngừng phấn đấu vươn lên để thành công trong cuộc sống.

Câu 3:

I. Mở bài

- Viễn Phương là một nhà thơ tiêu biểu của miền Nam. Tháng 4/1976 sau một năm giải phóng đất nước, khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác.

- Bài thơ Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.

II. Thân bài

1. Khổ thơ thứ nhất

- Tác giả đã mở đầu bằng câu thơ tự sự: "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

+ Con và Bác là cách xưng hô ngọt ngào thân thương rất Nam Bộ. Nó thể hiện sự gần gũi, kính yêu đối với Bác.

+ Con ở miền Nam xa xôi nghìn trùng, ra đây mong được gặp Bác. Nào ngờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc đã sum họp một nhà, vậy mà Bác không còn nữa.

+ Nhà thơ đã cố tình thay từ viếng bằng từ thăm để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh từ biệt sinh li.

+ Đây còn là nỗi xúc động của một người con từ chiến trường miền Nam sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác.

- Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là một dấu ấn đậm nét là hàng tre quanh lăng Bác: Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.

+ Hình ảnh hàng tre trong sương đã khiến câu thơ vừa thực vừa ảo. Đến lăng Bác, nhà thơ lại gặp một hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê đất Việt: là cây tre. Cây tre đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

+ Bão táp mưa sa là một thành ngữ mang tính ẩn dụ để chỉ sự khó khăn gian khổ. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy cây tre vẫn đứng thẳng hàng. Đây là một ẩn dụ mang tính khẳng định tinh thần hiên ngang bất khuất, sức sống bền bỉ của dân tộc.

2. Khổ thơ thứ hai

- Hai câu thơ đầu:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

+ Hai câu thơ được tạo nên với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Câu trên là một hình ảnh thực, câu dưới là hình ảnh ẩn dụ.

+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.

+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự vĩ đại của Bác, người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ.

+ Nhận thấy Bác là một mặt trời trong lăng rất đỏ, đây chính là sáng tạo riêng của Viễn Phương, nó thể hiện được sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác.

- Ở hai câu thơ tiếp theo:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

+ Đó là sự hình dung về dòng người đang nối tiếp dài vô tận hàng ngày đến viếng lăng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính và thương nhớ, hình ảnh đó như những tràng hoa kết lại dâng người. Hai từ ngày ngày được lặp lại trong câu thơ như tạo nên một cảm xúc về cõi trường sinh vĩnh cửu.

+ Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như tràng hoa, dâng lên Bác. Cách so sánh này vừa thích hợp và mới lạ, diễn ra được sự thương nhớ, tôn kính của nhân dân đối với Bác.

+ Tràng hoa là hình ảnh ẩn dụ những người con từ khắp miền đất nước về đây viếng Bác giống như những bông hoa trong vườn Bác được Bác ươm trồng, chăm sóc nay nở rộ ngát hương về đây tụ hội kính dâng lên Bác.

III. Kết bài

- Với lời thơ cô đọng, giọng thơ trang nghiêm thành kính, tha thiết và rất giàu cảm xúc, bài thơ đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người đọc. Bởi lẽ, bài thơ không những chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà còn nói lên tình cảm chân thành tha thiết của hàng triệu con người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

- Em rất cảm động mỗi khi đọc bài thơ này và thầm cảm ơn nhà thơ Viễn Phương đã đóng góp vào thơ ca viết về Bác những vần thơ xúc động mạnh mẽ.

Hoàng Thanh

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !