Đề nghị xây dựng ngân hàng dữ liệu tài nguyên môi trường biển, hải đảo
Đại biểu Bùi Thị An đề nghịxây dựng một ngân hàng dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, hải đảo |
Đại biểu Quốc hội đề nghị khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chiều 27/11.
Nêu thực trạng quản lý còn bất cập làm tài nguyên suy thoái, ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Viết Nhiễn (TP Hải Phòng) cho rằng, khai thác sử dụng tài nguyên biển khác với sử dụng tài nguyên trên đất liền, cần có sự tham gia đặc biệt của Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đề nghị bổ sung các căn cứ, đảm bảo an ninh, quốc phòng phải đưa vào nguyên tắc quản lý tài nguyên môi trường và chiến lược phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển đảo.
“Tại sao đường bờ biển dài như vậy mà chúng ta mới chỉ khai thác được một phần giá trị? Nguyên nhân do thời gian qua chúng ta đã phân tán quản lý, sự phối hợp giữa các ngành chưa thật tốt. Ngành nào cũng chỉ biết tận dụng khai thác biển và hải đảo gây chồng chéo, lãng phí từ nghiên cứu đến khai thác” – Đại biểu Bùi Thị An.
Đề cập đến việc khai thác sử dụng thiếu chặt chẽ, lợi ích các Bộ, ngành chồng chéo phức tạp, tài nguyên khai thác quá mức, theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) thì vấn đề khai thác tài nguyên trong dự thảo chưa đầy đủ, mới chỉ nêu tài nguyên vùng bờ và vùng hải đảo. Đại biểu Niễn đề nghị cần phải có chương riêng về tài nguyên biển. Trong khi tài nguyên vùng bờ tương đối chi tiết thì tài nguyên hải đảo nêu lại chung chung, chưa rõ. Chiến lược khai thác hải đảo thiếu nội dung về an ninh, quốc phòng, cần bổ sung các căn cứ khi lập chiến lược khai thác.
Ngoài quốc phòng an ninh, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) và một số đại biểu khác đề nghị cần chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đặc biệt khi xảy ra sự cố trong quá tình khai thác tài nguyên biển, hải đảo. Ông Thăng cho rằng, quản lý biển không chỉ có Nhà nước mà phải có cộng đồng dân cư, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị bổ sung trách nhiệm của công dân sinh sống quanh biển.
“Tại sao đường bờ biển dài như vậy mà chúng ta mới chỉ khai thác được một phần giá trị? Nguyên nhân do thời gian qua chúng ta đã phân tán quản lý, sự phối hợp giữa các ngành chưa thật tốt. Ngành nào cũng chỉ biết tận dụng khai thác biển và hải đảo gây chồng chéo, lãng phí từ nghiên cứu đến khai thác” - Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu vấn đề.
Bà An cũng đề nghị Chính phủ phải thống nhất quản lý, giao cho Bộ TN&MT quản lý biển và hải đảo. Qua đó Bộ này cần xây dựng một chương trình quốc gia để điều tra, nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.
“Các Bộ, ngành khác cùng tham gia để xây dựng một ngân hàng dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Đây là tài sản quốc gia và sau đó ngành nào cần số liệu nào thì lấy ra từ đó. Như ngành dầu khí cần số liệu về địa chất biển, ngành khai thác hải sản cần dữ liệu về nước biển, độ sâu…” – Đại biểu Bùi Thị An gợi mở.