Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi là rất cần thiết
Dự thảo Đề án về phát triển phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 được xây dựng dựa trên việc thực hiện Nghị quyết 74/NQ-QH14 ngày 20/11/2018 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án để Chính phủ trình Quốc hội trong quý 3/2019. Đây là đề án rất quan trọng, làm căn cứ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN), vùng KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.
![]() |
Theo dự thảo Đề án, vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, KT-XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái; nhưng thực tế hiện nay lại là vùng có điều kiện KT-XH phát triển khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất... Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và KT-XH ĐBKK là rất cần thiết, qua đó xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Mục tiêu của Đề án hướng tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn ĐBKK; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển... Định hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh trong vùng DTTS đạt 8-10%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm, giảm 30% số xã ĐBKK và 50% số thôn ĐBKK so với năm 2019; trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa...
Phát biểu tại hội nghị Triển khai công tác phối hợp về phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện ĐBKK mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần cú huých có tính chất đột phá thì mới có thể rút ngắn khoảng cách giữa vùng DTTS, MN với các vùng phát triển.
Bộ trưởng cho rằng Đề án cần làm rõ đây là vấn đề cần phải đầu tư để phát triển chứ không phải chính sách hỗ trợ. Mục tiêu cụ thể cần đưa một số định hướng để có tầm nhìn đến nằm 2030 khi Việt Nam thoát khỏi thu nhập trung bình thấp phát triển lên thành nước có thu nhập trung bình cao. Bộ trưởng cũng kêu gọi các đơn vị thay đổi tư duy, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo việc làm ổn định cho lao động DTTS.
Bộ trưởng nhấn mạnh các chỉ tiêu về an sinh cần thúc đẩy hơn nữa hướng tới chất lượng an sinh chứ không phải danh nghĩa. Điều quan trọng là chất lượng thụ hưởng của người dân thế nào. Có thể hướng đến phương án, tăng tỷ lệ hỗ trợ kích thích bảo hiểm tự nguyện ở các khu vực miền núi và rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm. Đồng thời, chú trọng hơn về tính an sinh, phát triển bao trùm để mọi người đều được thụ hưởng những chính sách này, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, phải coi Đề án này là trọng tâm, đột phá, “chạy” song song với 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của vùng DTTS và miền núi. Bộ trưởng cho rằng, Đề án đã tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn, chính xác, khoa học về thành tựu, hiện trạng, khó khăn của cộng đồng các DTTS trong giảm nghèo và phát triển bền vững... Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và KT-XH ĐBKK là rất cần thiết. Qua đó xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.