Dạy trẻ đi trên thủy tinh: Nước ngoài đã nghiên cứu rất kỹ và... an toàn (?!)
TS Lê Anh Sơn |
Đây là một phần nội dung trong bài học về lòng dũng cảm ở cuốn sách “thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1”. Đây là cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” do TS. Phan Quốc Việt (chủ biên) và đồng tác giả Nguyễn Thị Thùy Nương (nhóm Tâm Việt) biên soạn. Nhà xuất bản giáo dục phát hành.
Theo đó, trong sách có câu chuyện “Bạn An dũng cảm”. Nội dung câu chuyện được viết như sau:“Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Bài học về lòng dũng cảm bị nhiều phụ huynh phản ứng |
Ngoài nội dung, câu chuyện còn được minh họa bằng hình ảnh một em bé đi gái đi chân trần trên một lớp mảnh vỡ thủy tinh khá dày trên nền nhà.
Ngay lập tức, câu chuyện này được đưa lên mạng xã hội và gây xôn xao. Nhiều bậc phụ huynh hốt hoảng cho rằng tại sao lại có cách dạy phản khoa học, nguy hiểm đến như vậy? Tại sao lại có thể xui trẻ con đi trên mảnh thủy tinh, chẳng khác nào dạy trẻ con tự cầm dao cứa tay mình?.
Một bà mẹ bức xúc cho rằng “gần ba mươi tuổi đầu nhìn cái thảm thủy tinh ấy tôi cũng rùng mình chứ nói gì đến bọn trẻ. Mặc dù có người nói với tôi rằng thảm thủy tinh kia đã được mài nhẵn, nên trẻ đi lên sẽ không gặp vấn đề gì, không trầy xước hay chảy máu. Ô thế là dạy trẻ lòng dũng cảm, dám vượt qua thử thách hay dạy trẻ sự lừa dối đây. Thực tế có thủy tinh nào mà lại được mài nhẵn không? Rồi 1 ngày đẹp trời đám nhỏ về nhà rủ nhau mang chai thủy tinh ra đập vỡ nát và thách đố nhau bước qua và để chứng minh lòng dũng cảm thì thủy tinh kia có mắt hay không?”.
Quyển sách ... gây "bão" ngày hôm nay |
Vậy tại sao lại có bài tập này, và bài tập đó giúp trẻ điều gì, có thực sự nguy hiểm đối với trẻ hay không? Trả lời những vấn đề này, TS Lê Anh Sơn (nguyên Phó giám đốc Tâm Việt Group) cho rằng: Đây là một bài tập được nghiên cứu và biên soạn từ chương trình gốc ở nước ngoài. Bởi thế, họ đã nghiên cứu rất kỹ, đầy đủ và bài bản, vì thế phải khẳng định ngay với bài tập này chẳng gây nguy hiểm gì cho trẻ hết.
“Trên thực tế ai cũng có nỗi sợ, người sợ ma người sợ nước, người sợ các kỳ thi, người sợ đứng trước công chúng, người sợ làm sai, người sợ mắc lỗi, …) Tất cả những nỗi sợ đấy đều do cảm xúc quyết định. Bài tập này giúp cho con người ta vượt qua nỗi sợ của mình”- TS Sơn nói.
Theo TS Sơn thì bài tập này được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, với trẻ em nhằm giúp trẻ vững vàng hơn. Nguyên nhân là do trong xã hội hiện nay hàm lượng cảm xúc của trẻ quá yếu. Hàng ngày ở trường ít trò chơi, ít vận động, ít trải nghiệm mà suốt ngày chỉ học và học. Về nhà bố mẹ bận rộn ít cho con đi chơi khiến chúng lại cắm đầu vào ti vi hoặc iPad. Điều này khiến cảm xúc của trẻ bị bó hẹp lại, trẻ sẽ co lại và sinh ra nhiều bệnh: tự kỷ hoặc lo sợ… Đây là lý do tại sao nhiều trẻ điểm số rất cao nhưng sự năng động lại không có.
Những trẻ này không được rèn luyện lớn lên, rất nhiều em đỗ đại học nhưng tỷ lệ thất nghiệp thì cũng không nhỏ. Lý do là bởi, các em không có bản lĩnh sợ làm việc nặng nhọc, sợ bắt đầu lại, sợ bị chê cười học ngành đấy mà lại làm ngành khác sợ không dám làm việc không dám cống hiến.
Vì thế, với bài tập này chính là cách để các giảng viên giúp các em đi đến tận cùng của nỗi sợ hãi, tăng dải tần cảm xúc. Khi biên độ cảm xúc càng lớn thì các em càng dễ dàng đối diện với mọi trở ngại, mọi tình huống trong cuộc sống.
“Trước khi cho trẻ tập bài tập này các giảng viên thường cố tình làm cho những em này rất sợ bẳng cách đập vỡ chai ngay trước mặt các em với những thanh âm ghê rợn cùng những mảnh thủy tinh sắc nhọn bắn tóe tung sau đó họ bình thản bước qua và khuyến khích học viên làm theo điều này. Các em sẽ cảm nhận được tận cùng nỗi sợ hãi, sau đó được khích lệ và động viên các em rụt rè bước từng bước một. Khi vượt qua được đoạn đường đó, các em thở phào và sung sướng nhận ra rằng: Ồ, sợ thế mà vẫn còn vượt qua được cơ mà”- TS Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, chủ biên cuốn sách này, TS Phan Quốc Việt giải thích thêm, nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3 cm2 và độ dày 3 cm thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân.
Ngoài ra, Ông Việt cũng khẳng định, người lớn không cần lo trẻ con sẽ đọc và làm thử điều này ngoài đời thật, bởi vì khi chưa học thì chúng sẽ sợ, mà nếu sợ thì sẽ không bao giờ làm thử.
Được biết cuốn sách này đã được tái bản, tuy nhiên trong lần tái bản năm 2015, bài học đi trên mảnh thủy tinh đã không còn. Chúng tôi đã liên hệ với Nhà Xuất bản Giáo dục. Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, đã nắm được thông tin và sẽ có thông tin phản hồi sớm nhất.