Dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh: Khác nào trình diễn kiểu mãi võ?
Có nên dạy kỹ năng sống cho trẻ theo cách này? |
Như một buổi... mãi võ
Là một người cũng dạy về kỹ năng sống cho trẻ khá nhiều năm, một tiến sĩ, giảng viên trường ĐH sư phạm cho biết: Theo Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là: Học để biết (Learning to know) gồm các kĩ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả.
Học làm người (Learning to be) gồm các kĩ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin.
Học để sống với người khác (Learning to live together) gồm các kĩ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông.
Và học để làm (Learning to do) gồm kĩ năng thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: kĩ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,...
“Như vậy có thể thấy kỹ năng sống bao gồm một loạt các kĩ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của con người. Bản chất của kỹ năng sống là kĩ năng tự quản lí bản thân và kĩ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống” – vị tiến sĩ này nhấn mạnh.
Theo đó, để giúp trẻ có kỹ năng sống, giảng viên phải cho trẻ được trải nghiệm với những tình huống có thật, nhiều khả năng xảy ra chứ sao chọn cái tình huống kì quặc thế.
“Tôi cứ hình dung ra nó giống như buổi mãi võ của những môn phái đi trình diễn dạo kiếm tiền hơn là một buổi học nghiêm túc. Trong cuộc đời bạn, đã bao lần phải đi chân trần trên thủy tinh? Và chẳng lẽ chỉ có cách đó mới có thể giúp qua được nỗi sợ? Nếu là tôi, tôi chỉ cần làm 1 cái buồng tối bằng bìa cứng giống như 1 đường hầm tối dán giấy đen kịt khắp tường, tắt bớt đèn và cho trẻ đi xuyên qua đó. Chỉ thế thôi, bọn trẻ đã “sợ đái ra quần rồi”. Rõ ràng, chỉ cần như thế cũng đã giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ- vừa an toàn mà vẫn giúp trẻ nhận ra nhiều điều” – chuyên gia này nhấn mạnh.
Dũng cảm không chỉ vượt qua nỗi sợ
Ngoài ra, theo chuyên gia này thì lòng dũng cảm không chỉ đơn giản vượt qua nỗi sợ, mà người dũng cảm nhất là người dám thừa nhận là mình sai và chịu sửa sai. Ở độ tuổi trẻ lớp 1, nên thay vì dạy trẻ những điều “phi thực tế” như vậy hãy tập cho trẻ sự trung thực, lòng yêu thương, khả năng tự chăm sóc bản thân thì phù hợp hơn.
Đồng quan điểm này, anh Khúc Ngọc Minh,Giám đốc chuơng trình Kai (Chương trình với mục tiêu phát triển Tư duy sáng tạo cho trẻ em qua các hoạt động nghệ thuật) cho rằng, việc có giúp trẻ vuợt qua nỗi sợ hãi được hay không thì phải xét trên từng cá nhân trẻ em. Mỗi trẻ sẽ có một tính cách, cá tính, tâm lý riêng.
“Nếu khẳng định cứ thực hành bài học này sẽ trở nên dũng cảm, vuợt qua được sợ hãi thì điều đó là không thể. Chưa nói đến sự nguy hiểm tiềm ẩn khi trẻ tự thực hành tại nhà bằng cách đập vỡ chai, cốc thuỷ tinh rồi dẫm lên, việc đưa con đi cấp cứu là đương nhiên. Đấy là khi có người lớn ở nhà. Nếu trẻ tự làm việc này khi một mình ở nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra?!”- anh Minh nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo anh Minh thì kỹ năng sống là thực hành cách sống, việc dẫm lên thuỷ tinh chẳng giúp trẻ kỹ năng cụ thể gì cho cuộc sống. Nhất là khi những mảnh thuỷ tinh đó được bàn tay người lớn đập ra, lấy những mảnh sắc nhọn đi rồi, ai cũng bước lên được, thì đó có vẻ giống như trình diễn gây ảo giác tâm lý hơn là kỹ năng sống. Trẻ mà tin rằng chỉ cần dũng cảm là có thể bước lên thuỷ tinh thì rất nguy.
Anh Minh cũng cho biết thêm, bản thân anh đã tham gia vào các dự án giáo dục được mua bản quyền từ nước ngoài và nhận ra những nội dung trong các chương trình này được biên soạn khá kỹ lưỡng và phù hợp với cuộc sống của trẻ em tại quốc gia có chương trình nhưng khi đưa về lại trở nên xa lạ và không phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Vì thế “ rất nhiều nội dung trong các chương trình đó cần được biên soạn lại để gần gũi và phù hợp với cuộc sống của trẻ em mình và như vậy việc học tập mới có thể đạt hiệu quả. Việc áp dụng được hay không một chương trình cần nhiều công đoạn từ biên soạn cho tới khả năng áp dụng của mỗi giáo viên cho từng trẻ em trong lớp. Chứ không thể áp dụng một cách máy móc được. Tôi cũng chưa biết giáo trình nào huấn luyện bằng việc cho trẻ em lớp một dẫm lên thuỷ tinh để dạy kỹ năng sống. Nếu ai có thì đưa lên cho mọi người tham khảo”- anh Minh đề nghị.