Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ góp phần hạn chế những vụ việc tiêu cực gây nhức nhối xã hội như bạo lực học đường, hay hệ lụy xảy ra khi học sinh ứng xử không chuẩn mực.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2020-2021 là đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Để làm tốt điều đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử để tạo ra môi trường văn hóa học đường tốt đẹp.
Ông Bùi Văn Linh –Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ÐT) cho biết, trong năm học này, ngành giáo dục sẽ thực hiện các giải pháp để xây dựng văn hóa học đường và quy định về ứng xử văn hóa trong các trường học.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục.
Ðây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Hiện nay, Bộ GD&ÐT đã triển khai các thông tư, hướng dẫn cụ thể về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và thường xuyên.
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, để triển khai bộ quy tắc văn hóa học đường cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường.
Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lí học sinh từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường ra đời đã quy định rất rõ các các nội dung về văn hóa ứng xử đối với cán bộ, quản lý, nhà giáo, học sinh và nhân viên, học sinh và khách đến làm việc tại các trường học được quy định dưới dạng quy phạm pháp luật.
Hoàng Thanh