Đẩy mạnh các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM tại địa phương
![]() |
Các đại biểu nghe báo cáo của tỉnh Hà Nam về tiêu chí văn hóa. |
Theo đó, thực hiện Quyết định số 31/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 05/9/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tổng kết nội dung về “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn.
Các nội dung bao gồm hoàn thiện hệ thống Trung tâm văn hóa - thể thao, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn bản. Cùng với đó là kết quả thực hiện tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí 16 về văn hóa; đề xuất định hướng và giải pháp thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020".
Ông Bùi Quang Cẩm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết , đến nay Hà Nam có 98/98 xã, 2 huyện về đích nông thôn mới; thành phố Phủ Lý đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 huyện hoàn thiện hồ sơ.
Các trung tâm văn hóa thể thao cấp xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các thôn có nhà văn hóa - khu thể thao đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Hầu hết các xã, thôn đều có câu lạc bộ thể dục, thể thao…
Tính đến tháng 8/2019, cả nước có 7.035/8.982 (đạt 78,3%) Trung tâm văn hóa - thể thao xã, trong đó có 5.030/7.035 (đạt 71,4%) đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về cơ bản, các địa phương đã quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo, thể thao quần chúng. Đối với hoạt động thể dục thể thao, hiện có khoảng trên 70% xã đã dành quỹ đất cho tiêu chí này.
Phong trào tập luyện thể dục, thể thao của nông dân với phương châm “Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện hàng ngày". Tính đến nay cả nước cũng đã có trên 38.000 câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã hoạt động thường xuyên. Mỗi năm có trung bình 36.000 giải thể thao cấp xã được tổ chức.
Việc thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa, nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước, các phong trào của địa phương.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước. Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cư trú tại những địa bàn khác nhau với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, với 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh;
105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.423 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh/thành và gần 69.000 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, trong đó có 288 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo riêng trong bảo tồn phát huy, giao lưu và truyền giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đề án học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa đã triển khai thực hiện ở khắp các địa phương.
Hiện cả nước có 3.257 thư viện cấp xã, hơn 16.000 thư viện/tủ sách công cộng cơ sở, trên 60 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên phạm vi cả nước và hơn 22.000 thiết chế văn hóa truyền thống như đình, đền, chùa… tạo nên không gian văn hóa đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo của người dân.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; đồng thời nêu các giải pháp để duy trì và nâng cao kết quả đạt được trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhất trí với các kiến nghị của một số đại biểu khi cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, bởi thực tế hiện nay, việc đầu tư cho văn hóa phải tương xứng so với các lĩnh vực khác.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị thời gian tới các địa phương cần lưu ý tới việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; các ban, ngành, đoàn thể, trong đó quan trọng nhất là chủ thể người dân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng vào việc xây dựng các tiêu chí văn hóa trong nông thôn mới; tránh lãng phí trong hoạt động triển khai xây dựng các tiêu chí văn hóa trong phong trào nông thôn mới.