Đầu tư 100 tỷ, Cung thiếu nhi HN sẽ có gì hay?
Như mọi năm, những ngày này, hàng trăm phụ huynh dẫn các cháu nhỏ tấp nập đăng ký các lớp học hè tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Cảnh tượng quá tải diễn ra do hàng ngàn học sinh, trẻ em cùng đăng ký tham gia các môn học vẫn đang diễn ra.
Theo quan sát của PV, tại văn phòng chiêu sinh, rất đông phụ huynh đưa con em mình đến đăng ký học. Tại đây, các cháu có thể đăng ký các lớp học đàn, vẽ, thể dục… Các bộ môn nghệ thuật học vẽ, xếp hình, đàn hát… cũng thu hút rất nhiều trẻ em tham gia học.
Bên cạnh đó, Cung còn chú trọng vào các lĩnh vực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, luyện chữ đẹp, nữ công, bé vào lớp 1; kỹ năng sáng tạo như: lắp ráp mô hình, làm phim…. cùng các mô hình mẫu về sinh hoạt ngoài nhà trường như: đội nghi thức, đoàn nghệ thuật Măng non, Câu lạc bộ biểu diễn, guitar, thời trang, báo chí, kể chuyện, văn học ...
Chị Trịnh Thị Nhung (Hoàn Kiếm) đưa con đến đăng ký học hè, than thở: "Các môn học, vui chơi giải trí ở đây rất nhiều. Gia đình muốn cho cháu học bán trú, sợ chơi mấy tháng hè, không rèn luyện con lại quên hết kiến thức. Năm ngoái, tôi từng con đi đăng ký học vẽ, xếp hình, nhưng quá tải, không còn lớp. Năm nay, tình trạng căng thẳng có đỡ hơn, nhưng vẫn rất đông"
Trao đổi với PV, chị Dương Việt Hà – Giám đốc Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội cho biết, trong dịp hè 2013 này, Cung vẫn sẽ duy trì 51 môn với trên 70 cấp bậc, trình độ khác nhau. Hàng năm, Cung thiếu nhi thu hút từ 25 đến 30 ngàn trẻ em tham gia các trò vui chơi giải trí. Cao điểm vẫn luôn rơi vào dịp hè. Năm nay, mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng chuyên môn, giảm quá tải, Ban Giám đốc Cung đã triển khai kế hoạch tuyển sinh kỳ 2.
Tại phòng đăng ký chiêu sinh, không xảy ra tình trạng quá tải như mọi năm nhưng vẫn còn đông |
Kỳ 2 rơi vào dịp nghỉ hè, đã được Cung triển khai từ đầu tháng 4 và thông báo rộng rãi và từ 15/5 đến hết ngày 30/6. Đến nay, đã có hơn 3.000 học sinh đăng ký theo học trong hè, từ 31/6 đến hết tháng 8/2013.
Theo các cô giáo tại Cung thiếu nhi, ngoài 51 môn học cũ như mọi năm thì năm nay Cung đã đưa thêm các bộ môn như bóng bay nghệ thuật, tạo hình nghệ thuật sử dụng chất liệu đất sét từ Hàn Quốc; phát triển các bộ môn Taekwondo, karate, wushu…
Ngoài ra, năm 2013, Cung còn tổ chức phòng giáo dục cho trẻ tự kỷ, mỗi cô giáo kèm một trẻ vì số lượng trẻ tự kỷ. Đây là phòng học khá "đặc biệt" với mỗi buổi tối đa 2 trẻ.
Giải quyết khâu "trông trẻ", Cung thiếu nhi còn tổ chức mô hình bán trú, lớp 1,2 và 3, mỗi lớp tối đa 40 trẻ em.
Bên cạnh đó, Cung còn tổ chức “Trại hè kỹ năng 2013” kết hợp với các cán bộ, giảng viên Trung tâm IOGT-Tổ chức học sinh, sinh viên vì nếp sống lành mạnh. Mỗi khóa của trại hè diễn ra trong vòng 4 ngày, chiêu sinh trong 3 tháng hè.
Hè năm 2013, trẻ em sẽ được tham gia nhiều mô hình học tập, vui chơi đổi mới tại Cung Văn hóa thiếu nhi |
“Trại Hè kỹ năng 2013” với chủ đề học mà chơi, vui để học, để mỗi cháu sẽ thấy được sự thay đổi của mình về nhận thức, lối suy nghĩ, về phong cách sống. Các em sẽ biết làm thế nào khi các bạn phải đối mặt với các tình huống huống khẩn cấp, ví dụ như khi bị lạc.
Ngoài ra, năm 2013, các em còn được học thêm các kỹ năng bổ ích khác, những điệu nhảy truyền thống đến từ các miền văn hóa dân tộc nước ta và các nước bạn, các em cũng sẽ hiểu hơn về lịch sử của quê hương mình thông qua các hoạt động dã ngoại, các buổi giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, các game show bổ sung về kỹ năng sống, về lối suy nghĩ của mình.
Và đặc biệt hơn các bạn sẽ hiểu rõ về giá trị của gia đình của những người xung quanh.
Đặc biệt vào trung tuần tháng 7, tại Cung sẽ diễn ra Liên hoan nghệ thuật măng non khu vực phía bắc dự kiến có trên 20 tỉnh, thành tham gia.
Niềm vui sẽ đến với thầy cô giáo, học sinh Cung thiếu nhi Hà Nội trong năm tới bởi dự án đầu tư xây dựng có số vốn khoảng 100 tỷ đồng, được trang thiết bị học tập, vui chơi, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng trường hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại của các cháu trong mỗi dịp hè.
Dự án gồm nhiều hạng mục chính, như nâng cấp toàn bộ nội thất chống thấm, chống dột, các thiết bị học tập, vui chơi cho các cháu hiện đại hơn như bàn ghế, máy chiếu, máy tính, các trò chơi…
Dự án có thêm hạng mục đầu tư Khu trò chơi dân gian gồm tất cả các trò chơi dân gian như: đánh đáo, nhảy ô ăn quan, tò he, đánh bi…
Thậm chí là cả các mô hình làng nghề truyền thống khắp cả nước cũng được đưa vào như: Gốm sứ, tò he, làm nón… nhằm nâng cao tính giáo dục, hiểu biết cho các cháu về những làng nghề đang có ở Việt Nam, mà cha mẹ các cháu không phải đi xa để giới thiệu.