Đau bìu, đi khám phát hiện mắc bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15-35
Ung thư tinh hoàn ít gặp ở nam giới, nhưng lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 35.
Sưng đau bìu đến viện phát hiện ung thư
Bị đau, sưng vùng bìu trái, anh Dong Xiao M, 33 tuổi (quốc tịch Trung Quốc, đang sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám.
Tại đây bệnh nhân được chỉ định làm siêu âm, quá trình siêu âm tinh hoàn các bác sĩ phát hiện được vị trí giữa tinh hoàn trái có khối hỗn hợp kích thước 16x19x16 mm, bờ và ranh giới rõ xung quanh có viền giảm âm, trong khối có những dải tăng âm và những nốt vôi hóa, bìu không có dịch, doppler mầu khối u hỗn hợp không thấy hình ảnh tăng sinh mạch.
Kết hợp giữa khám lâm sàng, cận lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị ung thư tinh hoàn trái Teranoma, giai đoạn I và chỉ định phẫu thuật kịp thời. Hiện bệnh nhân đang trong giai đoạn ổn định, hồi phục rất tốt.
Hình ảnh khối u của nam bệnh nhân người Trung Quốc qua siêu âm |
BS Nguyễn Duy Khoa, Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết, ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam, tuy nhiên, lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 35.
Nguyên nhân ung thư tinh hoàn hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi.
Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn mà bệnh nhân thường tự sờ thấy trên lâm sàng.
BS Khoa cho biết ung thư tinh hoàn có nhiều nguy cơ. Trong đó, người có tinh hoàn ẩn rất dễ bị mắc ung thư tinh hoàn. Bởi bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh.
Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra gọi là bệnh “tinh hoàn ẩn”. Ở những người bị tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.
Ngoài ra, nếu trong ra đình có người thân bị ung thư tinh hoàn (cha hay anh em trai) thì nam giới còn lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
BS Khoa cũng cho biết một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.
“Khoảng 3% đến 4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại. Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở đàn ông da trắng cao gấp 4 đến 5 lần so với đàn ông da đen và châu Á”, BS Khoa thông tin.
Dấu hiệu mắc ung thư tinh hoàn
Qua quá trình thăm khám, BS Khoa cho biết dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng sau:
Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới
Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu
Có thể nổi hạch vùng bẹn
Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng)
Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn)
Thông tin thêm, ThS. BS Bùi Thị Dương Thảo - Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, BVĐK Hà Đông, cho biết, tinh hoàn của nam giới có chức năng là sản xuất kích tố sinh dục nam và tinh trùng để làm nhiệm vụ sinh sản.
Một số bệnh lý ung thư của tinh hoàn thường gặp ở độ tuổi trẻ từ 15 và 35, chính vì vậy việc phát hiện sớm cho người bệnh là việc làm cần thiết để giữ gìn được sức khỏe và thiên chức làm bố của họ.
Theo đó, tự kiểm tra thường xuyên tinh hoàn có thể giúp xác định sự tăng trưởng sớm, có cơ hội điều trị thành công ung thư tinh hoàn cao nhất.
Bác sĩ Thảo cũng khuyến cáo đối với các em bé nhỏ tuổi chưa biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình thì các bậc phụ huynh nên định kỳ kiểm tra cho con trai nhằm phát hiện sớm những bất thường như vùng bìu hoặc tinh hoàn to hơn bất thường sẽ đưa đến bệnh viện khám để được chẩn đoán sớm nhất các bệnh lý.
Đối với những nam giới đã trưởng thành, bác sĩ khuyên nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn, cách kiểm tra tốt nhất là sau khi tắm nước ấm, nhiệt từ nước sẽ làm thư giãn bìu như vậy sẽ dễ dàng hơn để phát hiện điều bất thường.
BS Khoa cũng nhấn mạnh, mặc dù ung thư tinh hoàn ảnh hưởng rất nhiều đến nam giới, tuy nhiên, đây là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tính chung cho các giai đoạn có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%.
Do vậy, ngoài việc thay đổi lối sống, mọi người nên được kiểm tra sàng lọc phát hiện sớm ung thư tinh hoàn để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Bước 1: Đứng trước gương. Nam giới sẽ tự kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu da bìu phù nề.
Bước 2: Dùng tay khám từng bên tinh hoàn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt dưới tinh hoàn, ngón cái để trên tinh hoàn. Lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường.
Bước 3: Tìm mào tinh hoàn và kiểm tra, đó là phần mềm mại nằm phía sau tinh hoàn, đây là nơi giúp tinh trùng trưởng thành.
N. Huyền