Đảo Sơn Ca cách đất liền bao xa?
Đảo Sơn Ca cách bán đảo Cam Ranh 330 hải lý, nằm ở 100 22’ 30” vĩ độ Bắc, 1140 28’ 48” kinh độ Đông, có hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc- Đông Nam.
Nhìn trên bản đồ, đảo Sơn Ca rất gần đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của Trường Sa) do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp, từ những năm 40-50. Đảo Sơn Ca kết hợp với 2 đảo Nam Yết, Đá Thị thành thế chân kiềng vững chãi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đóng chân bất hợp pháp trên Đá Ga -Ven gần Đảo Ba Bình, càng tăng cấp độ căng thẳng cho cụm đảo nơi đây.
Ở 2 đầu, đảo có hai doi cát lớn dài khoảng 60m, rộng trung bình 50m. Vị trí hai doi cát này thay đổi theo mùa - phía Đông Bắc của đảo thường bị lở. Khắc phục hiện tượng đó chúng ta đã xây kè chắn sóng kiên cố xung quanh đảo.
Trên mặt đảo là nền cát và san hô trắng có chiều dài khoảng 450m nên Sơn Ca còn được gọi là đảo cát. Lúc thuỷ triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 3,5 đến 3,8m so với mực nước biển. Do cấu tạo đất trên đảo là cát, san hô vụn, không có đất màu nên trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn, đảo không có giếng nước ngọt.
Không bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của đảo tích cực lao động cải tạo đảo cát. Đền đáp công sức lao động không ngừng nghỉ của cán bộ trên đảo Sơn Ca, đảo cát đã được thuần dưỡng thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây, củ, quả, rau xanh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Điều làm đoàn chúng tôi vui nhất vì nhận thấy y tế ở Sơn Ca hiện nay cũng đã có nhiều tiến bộ. Định kỳ theo năm vẫn có bác sỹ quân y luân phiên ra đảo. Những đảo nổi như Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa... thường có trạm y tế, có bác sĩ phụ trách.
Một góc đảo Sơn Ca (Ảnh Thủy sản Việt Nam) |
Sau khi ra tiếp quản đảo Song Tử Tây ngày 14-4-1975, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa, quân địch hoang mang, lo sợ. Chớp thời cơ đó, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 25-4-1975 ta sử dụng 2 tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca.
Khi đến cách Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng được chia thành 3 mũi đổ bộ lên đảo do Thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy. 1 giờ 30 phút ta đổ bộ xong bắt đầu trinh sát đảo, 2 giờ 30 phút ta nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch trên đảo chống đỡ yếu ớt rồi bỏ chạy, hoảng hốt đầu hàng. 3 giờ sáng ngày 25-4-1975 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch và thu nhiều vũ khí, trang bị và phương tiện.
Gần 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ của đảo kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ giữ đảo, cùng nhau đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ đảo. Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất năm 1980, hạng ba năm 1988. BácTôn tặng lẵng hoa năm 1980. Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen năm 2004. Trong các đợt kiểm tra đảo được Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu đơn vị danh hiệu quyết thắng. Năm 2012 đảo đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến.
Được sự quan tâm của quân và dân cả nước, nhiều công trình kiên cố trên đảo đã được xây dựng. Nhất là hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời được đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa... Hiện nay đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sỹ trên đảo được bảo đảm khá tốt. Các phân đội chiến đấu được trang bị máy thu hình, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 2000 đầu sách và trên 30 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật...