Đảo dừa" xanh ngát giữa biển khơi
Về mặt hành chính, đảo/thôn Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2004, đảo Nam Yết được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Theo PGS.TS Trần Đức Thạnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường biển - người đã nhiều lần tham gia nghiên cứu, khảo sát tại quần đảo Trường Sa, nhìn từ xa, đảo Nam Yết như một dải lụa xanh nổi trên mặt biển với những rặng dừa thách thức nắng gió khơi xa. Nam Yết được gọi bằng cái tên dân dã đầy trìu mến là “Đảo dừa”.
Đảo Nam Yết có độ cao 2-3,5m, cách 1,2km là đường đẳng sâu 500m và cách 6,5km là đường đẳng sâu 1.500m. Trên bản đồ tỷ lệ 1:50.000 của Tổng cục Địa chính, đảo Nam Yết có dạng hình quả xoài (hình bầu dục hơi hẹp về bề ngang) thop dần theo hướng đông - tây: chiều dài khoảng 650m; chiều rộng xấp xỉ 200m. Diện tích tự nhiên của đảo là 97.000m2, đứng thứ 4 trong các đảo do Việt Nam trực tiếp quản lý trên quần đảo Trường Sa (sau các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn). Đảo Nam Yết không nằm lẻ loi mà phân bố trên một dải các rạn san hô tạo thành vằn khăn (còn gọi là đê viền) bao quanh một đầm nước nông, còn gọi là vụng biển (lagoon). Đáy của vụng biển ở độ sâu 60-80m khá bằng phẳng, rải rác có các khối đá san hô ngầm nhô lên đến độ sâu 10-8m. Thảm thực vật trên đảo rất nghèo về thành phần, ít về số lượng, có khoảng 58 loài, phổ biến là phi lao, bàng, bàng quả vuông, phong ba, mù u, dừa, cỏ lào, ké hoa vàng, rau muống biển...
Tuần tra trên đảo
Các nhà hải dương học đã xác định được trên đảo Nam Yết có khoảng 1.195 loài động, thực vật biển, chiếm 40,8% tổng số loài đã được biết đến ở quần đảo Trường Sa; trong đó có tới 298 loài san hô, 285 loài động vật đáy, 186 loài cá rạn san hô, 86 loài rong biển, 8 loài rùa và thú biển, 10 loài chim… Thực vật có nguồn gốc đất liền nhiều nhất là cây dừa. Dừa mọc thành “rừng” trên đảo. Dường như không có một hòn đảo nào ở Trường Sa mà cây dừa lại sinh sôi nhanh và khỏe như tại Nam Yết, dừa có khắp đảo, quả sai và nhiều nước.
Dừa ở đây được các cán bộ chiến sỹ, người dân trồng và chăm sóc, nâng niu giống như người chơi hoa, cá cảnh trong đất liền. Hàng năm, các cán bộ chiến sỹ trên đảo thường tổ chức ngày hội trồng dừa vào dịp Tết Nguyên đán và khi có cán bô,å chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ bịn rịn chia tay đảo Nam Yết. Đối với quân và dân trên đảo, những sản phẩm từ cây dừa được sử dụng vào nhiều việc. Lá dừa được dùng để lợp chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm; sọ dừa khô làm gáo múc nước hay gắn thêm ốc biển làm thành những hộp quà nho nhỏ gửi về tặng đất liền.