Đánh giá thực trạng hoạt động Khám, chữa bệnh từ xa tại Quảng Ninh
TS. Khương Anh Tuấn – Phó viện trưởng dẫn đầu đoàn cán bộ của Viện Chiến lược và Chính sách y tế phối hợp với Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tiến hành khảo sát thực địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ nghiên cứu “Đánh giá thực trạng hoạt động Khám, chữa bệnh từ xa và đề xuất giải pháp’’.
Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh thực trạng triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, trên cơ sở đó đề xuất với Bộ Y tế để điều chỉnh kế hoạch, giải pháp của Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021 -2025 hiệu quả, phù hợp hơn với thực tế.
Đoàn công tác làm việc tại TTYT huyện Vân Đồn |
Nhóm Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi và 2 bệnh viện tuyến huyện (Vân Đồn và Cẩm Phả).
Kết quả ban đầu cho thấy công tác triển khai thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai theo hướng dẫn quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Hoạt động của mạng lưới Khám chữa bệnh từ xa tại Quảng Ninh đã được giao cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh làm đầu mối, đăng ký kết nối với các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện đầu ngành với các chuyên khoa khác nhau.
Các hoạt động đã triển khai bao gồm: Hội chẩn ca bệnh xin ý kiến chỉ đạo; hội thảo trực tuyến; hội chẩn phẫu thuật đối với một số trường hợp đặc biệt: Hội chẩn cấp cứu chấn thương ngực có vỡ tim, phẫu thuật nội soi 3D cắt túi mật, xin ý kiến hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành…
Trong bối cách dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc triển khai hoạt động Khám chữa bệnh từ xa tại Quảng Ninh đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, cập nhật nhanh chóng kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn đối với một số chuyên khoa cần thiết, phần nào nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương.
Trước đó vào ngày 22/6/2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân".
Đề án chia ra các giai đoạn:
a) Giai đoạn 2020-2021: Ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
b) Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.
c) Giai đoạn sau năm 2025: Đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án.
N. Huyền