Đảm bảo công tác y tế tại các huyện đảo, xã đảo
Ảnh minh họa |
Tại xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, mô hình này phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho chiến sỹ và nhân dân trên đảo.
Xã đảo Thổ Châu cách trung tâm huyện Phú Quốc khoảng 60 hải lý, cách đất liền khoảng 120 hải lý, được xem là điểm cực Tây Nam của Tổ quốc. Toàn xã có hơn 2.000 dân sinh sống tập trung trên đảo Thổ Chu và thường xuyên có gần 1.000 ngư dân vãng lai. Điều kiện khó khăn cùng với tập quán ăn uống không hợp vệ sinh nên người dân trên đảo thường xuyên mắc các dịch bệnh như sốt xuất huyết, thủy đậu, sốt nhiễm virus, ngộ độc thức ăn.
Bên cạnh đó, các tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất dẫn đến chấn thương sọ não, cột sống, gãy chân, tay... cũng thường xảy ra. Với điều kiện ở xa đất liền, phương tiện vận chuyển khó khăn (5 ngày mới có một chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Chu), công tác chăm sóc sức khỏe tại chỗ, đảm bảo an toàn tính mạng cho bộ đội và nhân dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đại tá, bác sỹ Dương Văn Thấm, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho biết hiện nay, trên đảo có 2 đơn vị y tế cùng hoạt động, là Trạm y tế xã Thổ Châu và Bệnh xá Quân y 152. Hai đơn vị này lâu nay vẫn phối hợp rất tốt, khi gặp những tình huống cấp cứu cụ thể thì hai bên cùng phối hợp giải quyết, những trường hợp nặng, hai bên cùng tham gia kíp mổ rất nhịp nhàng. Hầu như các trường hợp cấp cứu nội khoa, ngoại khoa đều giải quyết được.
Cơ sở vật chất y tế trên đảo Thổ Chu được đầu tư khá đầy đủ, trong đó Trạm y tế xã Thổ Châu được đầu tư xây dựng 26 phòng khám chữa bệnh với kinh phí gần 10 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng, được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim, máy sinh hóa máu, máy tạo ôxy...
Đội ngũ cán bộ y tế gần 20 người, trong đó có 5 bác sỹ (bao gồm quân và dân y), khả năng chuyên môn có thể cấp cứu, xử trí bước đầu và xử trí một phần cơ bản tất cả các loại bệnh theo quy định của Bộ Y tế tương đương một phòng khám đa khoa khu vực, có mở rộng phạm vi cứu chữa trong điều kiện không cho phép vận chuyển về tuyến trên; thực hiện các phẫu thuật loại II, loại III và một phần loại I về bụng, ngực, tiết niệu sinh dục, nội tiết, xương khớp...
Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ quân và dân y ở đây đã xử trí thành công nhiều ca bệnh, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển mô hình quân dân y kết hợp ở Thổ Chu thể hiện sự quan tâm đúng đắn của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân trên đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện tốt công tác dân vận.
Sự phối hợp giữa quân y và dân y góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, việc khám chữa bệnh được đầy đủ hơn do tận dụng được trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế, tận dụng được khả năng của những trang thiết bị y tế Trạm y tế xã Thổ Châu và Bệnh xá Quân y 152, từ đó, góp phần giảm được chi phí vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, công tác khám chữa bệnh được chủ động hơn trong những trường hợp có thiên tai, thảm họa xảy ra.
Theo ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, công tác phối hợp quân dân y bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu khám, điều trị bệnh của quân, dân trên đảo và ngư dân đánh bắt hải sản ở các vùng biển lân cận.
Thời gian qua, đã có nhiều lượt nhân dân và bộ đội được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có những trường hợp được cấp cứu kịp thời và thành công. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng đơn vị, đồng thời tạo được niềm tin và uy tín đối với quân và dân đang sinh sống, công tác trên các vùng biển đảo.