Đại tá Phan Mạc Lâm – Người “lập hồ sơ B-52” giữa lòng Hà Nội
Máy bay B-52 của không lực Mỹ |
Kỳ 1: Lật tẩy “siêu pháo đài”
Năm 2007, kỷ niệm 35 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, một số cựu chiến binh khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho rằng: “Để đánh thắng B-52, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của rất nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng tình báo quân sự, nhưng từ trước đến nay, ít người đề cập đến. Thời gian ngày càng lùi xa, có những điều trước đây là bí mật quân sự, không thể đề cập thì nay có thể đã được giải mật rồi nhưng thế hệ những nhà tình báo từng thầm lặng đóng góp vào chiến công kỳ diệu của năm 1972 thì ngày càng già đi, phải nhanh thì may ra mới khai thác được”.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa xem lại hồ sơ, tư liệu của Đại tá Phan Mạc Lâm. |
Chúng tôi đã vào cuộc ngay sau đó. Tìm đọc rất nhiều tài liệu, trao đổi với các cơ quan chức năng, kiên trì gặp gỡ các cựu chiến binh tình báo... nhưng những thông tin về hoạt động của tình báo quân sự trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 vẫn chỉ biết dưới những dòng tin khái quát, chung chung. Thật may, cũng tháng 12-1972, trên Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (năm 1972) với tựa đề “Những ngày tháng Chạp ở Tổng hành dinh”. Vệt bài này, đã giúp bạn đọc thấy rõ hơn sự chủ động trong chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc hoạch định kế sách đối phó với máy bay ném bom chiến lược B-52. Đáng chú ý, trong bài viết, tác giả nhắc đến tên một nhà tình báo mà chúng tôi đang cất công tìm hiểu về ông: “Ngày 6-7 (năm 1972-PV), tại ngôi nhà khép kín trong góc Thành cổ Hà Nội, các Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài đã chủ trì hội nghị về đánh thắng B-52. Sau khi nghe 8 đồng chí có trọng trách lớn phát biểu ý kiến (Mạc Lâm, cán bộ Cục Quân báo; Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không-Không quân; Đào Đình Luyện, Tư lệnh Không quân; Dương Hán, Phó tham mưu trưởng Phòng không-Không quân); Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự; Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Nguyễn Văn Ninh”; đồng chí Phùng Thế Tài kết luận: Mỹ sẽ đem B-52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận vào lúc ta đang thắng lớn ở miền Nam mà Mỹ lại ngoan cố muốn ép ta ở Hội nghị Pa-ri. Chúng sẽ đánh tất cả các mục tiêu, kể cả khu đông dân. B-52 sẽ ném bom đêm, gây nhiễu rất nặng, bay cao 10-11km. Chiến thuật địch rất máy móc, lệ thuộc vào điều kiện sẵn có. Không quân chiến thuật bảo vệ đội hình B-52, dùng nhiều tên lửa sơ-rai để chế áp trận địa tên lửa, ra-đa của ta. B-52 bay bằng cắt bom…”.
Trong số “8 đồng chí có trọng trách” mà Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhắc đến, đều là những cán bộ cấp cao của quân đội mà tiểu sử, sự nghiệp đã được đông đảo nhân dân biết đến, duy cái tên Mạc Lâm vẫn rất “bí ẩn”. Trong suốt 40 năm qua, hàng nghìn bài báo, cuốn sách trong nước đã được xuất bản xung quanh chiến thắng B-52, nhưng tìm kiếm trên mạng, cái tên Mạc Lâm vẫn hoàn toàn không xuất hiện.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Phan Mạc Lâm, thông qua “kho” tư liệu mà bà Nguyễn Thị Nghĩa cung cấp, thật vô cùng phong phú, thú vị với nhiều tình tiết hấp dẫn của nghề tình báo. Ông được cử tham gia Ban hỏi cung của Cục Quân báo ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từng được tin tưởng giao nhiệm vụ hỏi cung tướng Đờ Cát ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Nhưng, trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi xin phép chỉ kể xung quanh chủ đề chính.
Sơ đồ đội hình B-52 bay vào đánh phá Hà Nội do cơ quan tình báo quân sự của ta vẽ lại từ lời khai của tù binh Mỹ. |
Như chúng ta đã biết, theo chỉ đạo của Bác Hồ, ngay từ khi giặc Mỹ gây hấn, mang bom đạn ra đánh phá miền Bắc, Bộ đội Phòng không-Không quân và ngành quân báo đã để mắt nghiên cứu về B-52. Còn Mạc Lâm, ông thực sự thu thập tài liệu về B-52 từ khi nào? Đọc trong nhật ký, hồi ký, có thể khẳng định: Ông bắt đầu “lập hồ sơ B-52” từ cuối năm 1968. Đó là thời điểm sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vừa nhận định: Mỹ tạm ngừng ném bom là vừa để tỏ vẻ thiện chí, vừa để tập trung không quân đánh phá quyết liệt ngăn chặn giao thông của ta từ Nghệ An trở vào. Tuy xuống thang, địch có khả năng đánh phá trở lại phía Bắc. Vì vậy, đi đôi với việc đẩy mạnh cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông ở Quân khu 4, bộ đội phòng không-không quân cần tăng cường cảnh giác, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại âm mưu địch đánh phá trở lại các tỉnh phía Bắc nhất là Hà Nội. Tuyệt đối không để bị bất ngờ”.
Với trách nhiệm của nhà tình báo, Mạc Lâm tập trung khai thác hàng trăm phi công Mỹ, lúc đó bị bắt tập trung về nhà giam Hỏa Lò, nơi phi công Mỹ tự ví von là “khách sạn Hin-tơn”. Lúc đó, “khách hàng” của Mạc Lâm không có ai là phi công B-52, nhưng bằng mẫn cảm nghề nghiệp, ông hiểu rằng, khai thác từ phi công lái các loại máy bay chiến thuật F4, F105 thì cũng sẽ “vỡ” ra nhiều điều về B-52, với mệnh danh “siêu pháo đài bay”, lúc đó đang được Mỹ huênh hoang tuyên truyền về sức mạnh vô song của nó. Đúng như dự đoán của Mạc Lâm, nhiều viên phi công đã khai rằng, thời kỳ huấn luyện trước khi tham chiến tại Việt Nam, họ đều được tham gia diễn tập với B-52 về tập kích đường không chiến lược.
Thông tin từ tù binh Mỹ cũng hé lộ rằng: Đội hình B-52 đánh vào Hà Nội, tất sẽ có nhiều thành phần máy bay khác trong hoạt động yểm trợ như hộ tống, chế áp tên lửa, cao xạ đối phương kể cả việc chiếm lĩnh ưu thế trên cao của các máy bay F4, F105 được bố trí ở các căn cứ không quân được đặt xung quanh miền Bắc Việt Nam.
Kiên nhẫn khai thác, cẩn trọng kiểm tra đối chứng lời khai của từng phi công, trong đó có cả những phi công kỳ cựu có từ 5000 đến 6000 giờ bay; có tên từng là chỉ huy cấp cao của đối phương, Mạc Lâm đã có trong tay hàng nghìn trang tài liệu cần thiết về tính năng, đặc điểm của máy bay B-52 với những ưu điểm, nhược điểm vốn có của nó; trang thiết bị, kỹ thuật điện tử cũng như khả năng mang bom và các loại bom của B-52. Đội hình cơ bản của một biên đội B-52; cơ cấu thành phần một trận tập kích bằng B-52 vào một mục tiêu nào đó và khu vực dự kiến mục tiêu đánh phá sắp tới; đường bay các hướng từ các căn cứ không quân ở Nhật Bản, Thái Lan, đảo Gu-am… đến Việt Nam-Hà Nội; khu vực tiếp dầu trên không, sở chỉ huy trên không; đường rút lui của B-52… Tất cả đều được “lập hồ sơ” kỹ càng. Vào thời điểm đầu năm 1972, những hiểu biết này về B-52 có tác dụng rất cần thiết đối với bộ đội ta, nhất là với lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân để bổ sung hoàn chỉnh các phương án tác chiến mà những đơn vị đã dày công nghiên cứu xây dựng trong quá trình chuẩn bị. Con đường “vào hang bắt cọp” của bộ đội ta, không chỉ được thực hiện bằng sự hy sinh xương máu trên chiến trường Khu 4, mà bằng cả cuộc đấu trí của các nhà tình báo hỏi cung giữa lòng Hà Nội.
Vào đầu tháng 6-1972, Mạc Lâm và một số cán bộ tình báo khác được giao nhiệm vụ đặc biệt: Tìm hiểu khả năng leo thang cao nhất về cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc, trong đó chủ yếu là đánh giá lực lượng không quân chiến lược của Mỹ và dự kiến cuộc tập kích bằng B-52 vào Hà Nội. Cục trưởng Cục Tình báo Phan Bình chỉ định: “Mạc Lâm tổng hợp tình hình, chuẩn bị tài liệu tham gia hội nghị của Bộ Tổng tham mưu ngày 6-7-1972 để trình bày nội dung chuyên đề đặc biệt vừa nghiên cứu”.
Trước khi hội nghị diễn ra, bằng sự chuẩn bị công phu, có kết hợp kiểm chứng thông qua các nguồn tin khác, Mạc Lâm đã nắm chắc thông tin về các loại máy bay, về kỹ thuật, chiến thuật của từng loại mà Mỹ đã, đang và sẽ sử dụng khi đánh vào Hà Nội… Hơn thế nữa, tin tức tình báo chiến lược còn giúp ông đánh giá được cả tiềm lực quốc phòng của Mỹ vào thời điểm đó, từ lực lượng thường trực, lực lượng dự bị chiến lược của không quân, hải quân Mỹ cũng như các quân chủng, binh chủng. Đây là những thông tin rất quan trọng để chúng ta có thể hình dung toàn thể khả năng leo thang chiến tranh của Mỹ. Riêng về không quân, Mạc Lâm đã có thêm nguồn tin về khả năng sản xuất máy bay hằng năm, về các loại máy bay, các loại bom đạn, các loại máy móc, thiết bị điện tử mới sản xuất của đế quốc Mỹ. Thông qua hỏi cung, ta cũng nắm được sự bố trí của lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và ngay tại nước Mỹ; tình hình luân phiên, điều chỉnh lực lượng, đặc biệt là bố trí lực lượng không quân chiến thuật, không quân của hải quân ở vịnh Bắc Bộ, ở miền Nam và ở các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Lan, Nhật Bản, Gu-am… Tất cả những thông tin đó, đều vô cùng cần thiết cho sự chuẩn bị đáp trả, giáng những đòn đích đáng nhất lên đầu bè lũ Ních-xơn đang lồng lộn “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”.