Đại học Bách Khoa HN bị tố dùng đề sai: Thừa nhận thiếu sót trong quản lý đề thi
Trong lá thư gửi đến Ban Biên tập Infonet, ông Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ lo lắng về việc áp dụng bộ đề thi từ năm 2010- 2014 bị sai, gây ra hệ lụy không nhỏ cho các em sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội. Theo ông Dũng nhiều em bị “trượt oan”, “thi đi thi lại oan”.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
Trao đổi với PV Infonet, TS Vũ Lê Huy, Trưởng Bộ môn Cơ sở thiết kế máy và Rôbốt, Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đây là góp ý của thầy Dũng, từ nhiệm kỳ trước, Khoa cũng đã mời thầy lên tiếp nhận, những gì góp ý đúng thì đã chỉnh sửa, những gì chưa phù hợp thì không thể tiếp nhận được. Từ đó đến nay đã có nhiều đợt họp, chỉnh sửa. Đó là đề cũ chứ không phải đề bây giờ”.
Khi phóng viên hỏi: “Vậy đề thi cho các em từ năm 2010 đến năm 2014 có sai không?”. Ông Huy trả lời: "Chỉ là câu từ chưa chính xác, chưa phù hợp. Thầy bắt bẻ về câu chữ, có thể do dùng từ chưa phù hợp. Có một số do nhầm lẫn trong tính toán, đưa ra kết quả không hoàn toàn chính xác.
Trong đề thi có 30 câu chẳng hạn thì nhầm 1 câu. Bộ môn đã tiến hành kiểm soát và không tính điểm câu đó nữa.Việc xử lý êm đẹp nhưng thầy không nắm được thông tin”.
Theo ông Huy, ở nhiệm kỳ trước cũng đã mời thầy Dũng lên và đã nghe thầy trình bày, liên tục rà soát lại rất kỹ. Nếu có ý kiến gì phản ánh, bộ môn sẽ tiến hành tiếp nhận và rà soát lại.
Tin liên quan
Hàng trăm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội "trượt oan" vì đề thi sai?
Trước những băn khoăn của phóng viên về việc đối với các em đã thi trước đó, điểm đã xong thì có xem xét đánh giá lại cho đúng kết quả học tập của các em hay không, ông Huy khẳng định là đã xử lý.
Ông Huy cũng lý giải, việc phản ánh là từ trước, khi chuyển đề thi từ tự luận sang trắc nghiệm nên có những nhầm lẫn. Chuyện đó là khó tránh khỏi.
Trường có thống kê phổ điểm, tập trung nhiều ở 5,6,7. Tỉ lệ trượt mỗi lần thi dưới 30%.
Trước câu hỏi của phóng viên, “phía bộ môn có ý kiến gì về việc thầy Nguyễn Tiến Dũng phản ánh có đề sai đến 13/25 câu”, ông Huy cho rằng: “Không biết bằng cách nào đó, thầy Dũng lấy được đề từ hồi những năm 2013, 2012 (tôi không biết chính xác). Đề này được trộn từ 1 đến 2 đề gốc ra thành một số đề. Đương nhiên một câu nào đó sai thì vài đề sẽ bị lặp lại câu sai đó.
Thầy bắt bẻ từng câu chữ. Những đề dùng từ chưa hợp lý thầy cũng tính là một cái sai. Có cái thầy nêu quan điểm là sai nhưng khi tranh luận các thầy ở bộ môn khẳng định là không sai. Do đó, có bao nhiêu câu sai do thầy nói là không chính xác”.
Mặc dù khẳng định là hàng năm bộ môn vẫn xem xét chỉnh sửa đề, nhưng ông Huy cũng thừa nhận rằng chưa có thống kê cụ thể là sửa những cái gì, loại bỏ những cái gì, tỉ lệ chỉnh sửa là bao nhiêu. Đặc biệt, khi sửa các chi tiết trong đề cũng không có biên bản. Ông Huy cũng thừa nhận đây là một thiếu sót trong quản lý đề thi.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Dũng, ông đã gửi thư 5 lần đến Bộ môn, ngoài chỉ ra những sai sót, ông đề nghị sửa điểm cho các em chưa tốt nghiệp, nếu phát hiện đề thi tại thời điểm đó sai. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được bộ môn đáp ứng.
Nói về vấn đề này, TS Vũ Lê Huy cho rằng “Đó là sai sót của những năm trước, tôi không thể nói được ảnh hưởng thế nào. Đề mới đây ảnh hưởng của nó rất ít”.
Ông Huy cho rằng, ông chỉ xem xét nhiệm kỳ của mình, còn nhiệm kỳ trước thì ông Huy không xem xét.
Điều đáng nói, đề thi này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến kết quả học tập của các em. Nếu quản lý đề thi tùy tiện và nếu có sai sót thì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các em sinh viên mà còn ảnh hưởng đến tri thức mà các thầy cô truyền dạy cho các em, gián tiếp ảnh hưởng đến ứng dụng tri thức đó trong đời sống.