'Đại gia' nuôi lợn bị ngân hàng siết nợ
Giá cám tăng cao do các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khan hiếm nguyên liệu đầu vào, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng thấp hơn rất nhiều khiến người chăn nuôi lâm vào khó khăn, nợ nần chồng chất và bị ngân hàng siết nợ.
Giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc đã giảm mạnh từ 83.000 – 86.000 đồng/kg hồi đầu năm 2021 xuống chỉ còn từ 50.000 – 54.000 đồng/kg trong hơn 1 tháng gần đây.
Điều này khiến nhiều người chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng, càng mở rộng quy mô chăn nuôi càng thua lỗ nặng. Thậm chí, nhiều người không những rơi vào cảnh trắng tay mà còn nợ nần chồng chất, bị ngân hàng siết nợ.
Liên tục trong các ngày gần đây, Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Hòa Bình rao bán đấu giá khoản nợ 3,87 tỷ đồng của khách hàng Trần Anh Đức (địa chỉ xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) theo hai hợp đồng tín dụng được ký vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Khoản nợ này bao gồm 2,92 tỷ đồng nợ gốc và 946 triệu đồng lãi.
Được biết, cả hai hợp đồng tín dụng này đều được ông Trần Anh Đức vay với mục đích xây dựng trang trại nuôi lợn. Tài sản đảm bảo cho khoản vay lần 1 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích 43.058 m2 tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Giá trị tài sản bảo đảm được định giá 3 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay lần hai là tài sản hình thành trong tương lai theo hợp đồng thế chấp tài sản hỉnh thành từ vốn vay, giá trị tài sản thời điểm ký hợp đồng bảo đảm 4,77 tỷ đồng.
Nhiều chuồng trại nuôi lợn phải bỏ hoang (ảnh minh họa). |
Cách đây ít ngày, Agribank chi nhánh này thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo trị giá lên tới 32 tỷ đồng, gồm quyền khai thác các tiềm năng trên đất và các tài sản trên diện tích đất 438.376m2 tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Trong đó, ngoài hệ thống 17 ao xây còn có 2 khu chuồng lợn xây kiên cố bằng bê tông, có hệ thống làm mát bằng quạt nước, tổng diện tích hai khu chuồng lợn này lên đến 4.500m2.
Thực tế câu chuyện người chăn nuôi lợn rơi vào cảnh lao đao không phải là hiếm, nhưng tình trạng này trở nên trầm trọng hơn kể từ quý 2/2021.
Theo ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm là do khâu sơ chế gia súc, gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Tại 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" hoặc không đủ nhân lực lao động do phải phong tỏa.
Ngân Giang
Giá cám tăng cao, lợn hơi bị ép giá, người nuôi lợn… lỗ nặng
Trong khi giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng vẫn không thay đổi thì giá lợn hơi lại giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua khiến người chăn nuôi điêu đứng.