Đà Nẵng khánh thành giai đoạn 1 “Thung lũng Silicon”
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho hay, trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến đầu tư nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2019), sáng nay 29/3, giai đoạn 1 Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung – Danang IT Park (DITP) chính thức khánh thành, ghi dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp CNTT của TP.
Sáng nay 29/3,giai đoạn 1 Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung – Danang IT Park (DITP) chính thức khánh thành (Ảnh: HC) |
Dự án DITP được UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng làm chủ đầu tư trên diện tích 341 ha (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) với tổng vốn 121 triệu USD. Trong giai đoạn 1, dự án được triển khai trên diện tích 131 ha với số vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng (47 triệu USD).
Theo chủ đầu tư, DIPT được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon – Hoa Kỳ và Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu) – Đài Loan, hiện có thể cung cấp các dịch vụ IT, phát triển phần mềm, bao gồm đất đã có hạ tầng đồng bộ và cao cấp, tòa nhà xây dựng sẵn, văn phòng cho thuê… trong không gian xanh được phân bổ rộng khắp toàn dự án, đường đi dạo quanh khu mặt nước với các tiện nghi ngoài trời, thể thao, cảnh quan thiên nhiên...
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng nhận định, DITP nằm ở vị trí đắc địa của vành đai phát triển kinh tế Tây Bắc Đà Nẵng, ngay vị trí cửa ngõ TP, theo cao tốc Huế - Quảng Ngãi sẽ kết nối hàng loạt khu kinh tế, đô thị và công nghiệp, hình thành hành lang kinh tế với cảng Liên Chiểu. Đồng thời DIPT chỉ cách trung tâm TP 20 phút đi ô tô, dễ dàng tiếp cận khu hành chính - kinh doanh, sân bay, cảng biển, trường đại học và các điểm du lịch địa phương…
DITP nhìn từ trên cao |
“DIPT hướng sự thu hút đến các công ty lớn, vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ cao và hiện đang được nhiều công ty lớn như IBM, Cisco, Intel, KDDI, Mitsui và một số Công ty về CNTT của Nhật, Mỹ, Singapore... quan tâm cơ hội đầu tư. Với định hướng trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á, DITP đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD/năm, thu hút 25.000 lao động và góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng!” – Ông Phạm Trường Sơn, Phó BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho hay.
Cũng trong sáng 29/3, TP Đà Nẵng tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường nối DITP với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, đồng thời thông tuyến nút giao Nguyễn Tất Thành vào DITP. Như vậy hạ tầng đồng bộ sẽ được khớp nối từ trung tâm TP qua tuyến đường Nguyễn Tất Thành, khu đô thị Golden Hills vào DITP và qua Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo tính liên hoàn và bổ trợ để trở thành khu đô thị công nghệ cao phía Tây Bắc TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, với quyết tâm phát triển hạ tầng đồng bộ, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tại DITP, chủ đầu tư sẽ tiếp tục tiếp tục khởi công tổ hợp văn phòng- trưng bày, hội chợ triển lãm trên phân khu C với tổng diện tích hơn 87.000m2, gồm tòa nhà Văn phòng, trụ sở làm việc, (dự kiến 26 tầng), khu trưng bày, khu hội chợ triển lãm, khu công cộng…
Cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của DITP đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đốn tiếp, phục vụ các nhà đầu tư |
Cùng với đó, trong năm 2019, tại DITP cũng sẽ xây dựng khu nhà chuyên gia với 41 căn hộ liền kề, 5 chung cư cao tầng (6-12 tầng) tại phân khu D. Đồng thời khu công trình kiến trúc, cảnh quan thuộc hồ cảnh quan (phân khu E) cũng được xây dựng nhằm tạo chỗ ở, không gian cảm hứng cho các kỹ sư, chuyên gia làm việc tại DITP.
Khánh thành Nhà máy số ESTEC trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng Trước đó, sáng 28/3, tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy số ESTEC (ESTEC Digital Factory). Đây là dự án đầu tư trong nước đầu tiên, đồng thời là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa và số hóa, được xây dựng và đi vào hoạt động đầu tiên tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD trên diện tích đất hoảng 1ha.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Nhật Phi, Bí thư Đảng ủy BQL Khu Công nghệ và các KCN Đà Nẵng cho hay, ngay từ khi tìm hiểu và trao đổi về những ý tưởng, thông tin ban đầu đối với Nhà máy số ESTEC, lãnh đạo BQL Khu Công nghệ cao cũng như lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đánh giá rất cao dự án bởi tính bắt nhịp xu thế phát triển công nghệ 4.0, tính ứng dụng cụ thể của từng sản phẩm, và bởi tính lợi ích cộng đồng mà dự án có thể mang lại. “Sau gần 8 tháng xây dựng, giai đoạn 1 Nhà máy số ESTEC đã hoàn thành theo đúng kỳ vọng về chất lượng, an toàn, thẩm mỹ. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, nhà máy sẽ nhanh chóng tạo ra những sản phẩm thiết thực, góp phần phát triển nghiên cứu ứng dụng tự động hóa, công nghệ số hóa và ứng dụng mô phỏng hoạt động công nghiệp chế tạo; tạo ra sản phầm phần mềm với giải phát công nghệ và hệ thống tự động hóa; đưa các ứng dụng đó vào thực tiễn, phục vụ cho quá trình sản xuất, phục vụ đời sống và phục vụ cộng đồng!” – Ông Phạm Nhật Phi nói. |