Đa dạng hình thức tuyên truyền dùng mạng an toàn cho học sinh ở Phú Thọ
Ngày nay mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng mạng xã hội đúng cách, nhiều học sinh dành đa số thời gian đắm chìm vào thế giới ảo của Facebook, Zalo, Instagram,… thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, sa sút học hành, thậm chí "nghiện" sống ảo hơn sống thật.
Nhận biết được điều này, thời gian qua, Trường THCS Mạn Lạn (Thanh Ba, Phú Thọ) đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền các giải pháp giúp học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả.
Theo lãnh đạo nhà trường thì công tác tuyên truyền các giải pháp giúp học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả được nhà trường triển khai trong các buổi chào cờ đầu tuần, các hoạt động ngoại khóa và tập trung thực hiện qua giờ Tin học.
Nội dung hoạt động ngoại khóa hằng năm luôn có chủ điểm về tuyên truyền Luật An ninh mạng gắn với tác hại của việc lạm dụng mạng xã hội để học sinh nhận biết và có thể tránh xa.
Để công tác tuyên truyền về an ninh mạng cũng như sử dụng mạng xã hội an toàn có hiệu quả, nhà trường đã triển khai dưới các hình thức phong phú đa dạng, ví dụ như nội dung tuyên truyền được sân khấu hóa qua những vở kịch nhỏ, những tình huống đặt ra khi sử dụng mạng xã hội mà ở đó học sinh đều rất hào hứng tìm hiểu.
Đặc biệt, sau những hoạt động ngoại khóa như vậy học sinh đã ý thức được rất nhiều về những tác hại của mạng xã hội, nhiều học sinh dần rời xa thế giới ảo và thay vào đó là những hoạt động, những trò chơi lý thú, bổ ích giúp các em hoàn thiện hơn về thể chất cũng như tinh thần.
Đặc biệt, không còn tình trạng học sinh lười học, không học thuộc bài, không làm bài, ngồi học ngủ gật trên lớp do nguyên nhân hằng đêm sử dụng điện thoại lang thang trên Facebook, "buôn" trên nhóm Zalo, Messenger hay mải mê với game online...
Ngoài ra, học sinh cũng nhận thức cũng như xác định rõ mục đích sử dụng thông tin trên mạng, chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được tuyên truyền các kỹ năng như không kết bạn với những đối tượng lạ, không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng tiêu cực, cảm xúc nhất thời của mình.
Học sinh cũng biết cách báo xấu khi nhận thấy thông tin trên mạng xã hội không chính xác, tránh tham gia bình luận nhất là những bình luận cổ xúy cho hành động xấu, không tham gia tranh cãi trên mạng và quan trọng là học sinh có kỹ năng chia sẻ, thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại…
Nói về công tác tuyên truyền dùng mạng xã hội an toàn của Trường THCS Mạn Lạn, em Đỗ Khánh Linh - học sinh lớp 8 cho biết: “Những buổi tuyên truyền về dùng mạng xã hội an toàn, hiệu quả giúp chúng em biết cách giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm đến mọi người.
Ngoài ra em cũng đã biết sử dụng mạng internet trong học tập và những mục đích tốt đẹp. Bản thân em và nhiều bạn học khác trong lớp cũng đã biết cách bảo mật thông tin cá nhân, tránh những hành vi xấu trên mạng, biết lựa chọn những nội dung, chương trình phù hợp với độ tuổi có nội lành mạnh hữu ích để giải trí”.
Trường học chỉ quản lý thời gian của học sinh trên lớp trong phạm vi cho phép còn thời gian ở nhà rất cần có sự quản lý, quan tâm, giáo dục của gia đình. Vì vậy ngoài nhà trường thì các bậc phụ huynh cũng cần dành thời gian đồng hành cùng các thầy cô giáo để giáo dục học sinh trong việc sử dụng mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Từ đó, giúp các em học sinh có nhận thức đúng đắn, hành động tích cực khi vào mạng, góp phần phục vụ thiết thực cho học tập và cuộc sống.
Hoàng Thanh