Cuộc họp Diễn đàn Phát triển Xã hội và Giảm nghèo ASEAN - Trung Quốc
Trung Quốc – ASEAN hướng tới thắt chặt mối quan hệ hợp tác xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế toàn cầu.
Trong hơn 7 tháng qua, dịch Covid-19 đã hủy hoại những tiến bộ kinh tế và xã hội mà nhân loại gây dựng được trong nhiều thập niên qua. Thậm chí, dịch bệnh còn đẩy hàng tỉ người vào cảnh đói nghèo.
Trong đó các quốc gia châu Á vốn có hệ thống an ninh xã hội còn kém phát triển, phần đông người lao động tự do là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Đáng nói, lao động tự do chiếm tới gần 60% hoạt động tuyển dụng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc – ASEAN hợp tác xóa đói giảm nghèo giữa dịch Covid-19. (Ảnh: CGTN) |
Theo CGTN, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Xã hội và Giảm nghèo ASEAN - Trung Quốc năm 2020 hôm 29/7, bà Beate Trankmann, người phụ trách khu vực Trung Quốc thuộc Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh, đại dịch có thể đẩy thêm hơn 100 triệu người vào cảnh đói nghèo tột độ mà trong số đó hơn một nửa đang sinh sống ở khu vực Nam Á.
Theo bà Trankmann, 2/3 mục tiêu phát triển bền vững được thông qua vào năm 2015 nhằm cải thiện cuộc sống người dân tới năm 2030 hiện không thể đạt được. Các nhóm dễ tổn thương như người nghèo, nông dân làm ăn nhỏ lẻ, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật là những đối tượng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo đó, tỷ lệ đói nghèo tại ASEAN giảm từ 47% trong năm 1990 xuống còn 15% vào năm 2015, theo ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Theo ông Phoak, nếu duy trì tốc độ như trên, rõ ràng tình trạng đói nghèo sẽ suy giảm mạnh và được xóa bỏ hoàn toàn tại hầu hết các nước thành viên ASEAN vào năm 2030. Nhưng nay thành tựu này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa vì dịch bệnh.
Hiện tại, đại dịch đang gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD và đẩy nền kinh tế thế giới tụt dốc. Điều này khiến nhiều chính phủ mà đặc biệt là tại các nước còn kém phát triển, sẽ không có đủ tiền để giải quyết vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng như mục tiêu đề ra tới năm 2030.
Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á sẽ sụt giảm 1% trong năm 2020.
“Trong giai đoạn khó khăn, chúng ta cần phải hợp tác và cộng tác chặt chẽ. Không một quốc gia nào có thể tự giải quyết hiệu quả trước sự phức tạp của đại dịch và những tác động phụ từ dịch bệnh. Chắc chắn, ASEAN sẵn sàng cùng chung tay với các đối tác bao gồm Trung Quốc”, ông Phoak nhấn mạnh.
Với phần lớn dân số làm nghề nông, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có chung nhiều thách thức liên quan tới giải quyết vấn nạn đói nghèo. Hôm 29/7, các phái đoàn ASEAN cũng đã thừa nhận xu hướng tụt lùi hiện tại, song nhấn mạnh sự lạc quan chung tay hợp tác giải quyết khủng hoảng giữa các đối tác trong khu vực.
Theo ông Su Guoxia, phát ngôn viên của Hội đồng Giảm nghèo quốc gia Trung Quốc, bài học chủ chốt từ kinh nghiệm của Trung Quốc là xóa đói giảm nghèo định hướng phát triển.
“Vấn đề là không phải đối xử với người nghèo như gánh nặng mà thay vào đó xem họ là lực lượng phục vụ phát triển. Thông qua kế hoạch của chính phủ, hoạt động đầu tư và sự hỗ trợ xã hội, chúng tôi hướng tới cải thiện năng lực tự tăng trưởng của người nghèo”, ông Su nói.
Trên thực tế, Trung Quốc và các nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hợp tác chung suốt một thời gian dài trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.
Được tổ chức thường niên từ năm 2007, Diễn đàn Phát triển Xã hội và Giảm nghèo ASEAN - Trung Quốc từng được tổ chức thành công tại Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar và Lào. Sự kiện trở thành một hoạt động giao lưu, trao đổi về kinh nghiệm và thông tin liên quan tới xóa đói giảm nghèo giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm bàn thảo và đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực này.
Cũng theo ông Su, Dự án thí điểm Hợp tác Xóa đói giảm nghèo ở Đông Á chính là ví dụ minh chứng cho mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Dựa vào những kinh nghiệm đã tích lũy được, Trung Quốc đã hỗ trợ đào tạo cho các quan chức trong những ngôi làng nghèo khó được chọn ở Lào, Campuchia và Myanmar để thúc đẩy phát triển ở địa phương, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ở đây.
Phía Trung Quốc cũng kêu gọi tăng cường thêm các mối quan hệ với ASEAN đặc biệt trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19 và lĩnh vực kinh tế số.
Dù dịch Covid-19 tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, nhưng mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn ghi nhận những kết quả mới trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, giá trị thương mại hai bên đạt 2,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (300 tỉ USD), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ông Đặng Tích Quân, đại sứ Trung Quốc tại ASEAN.
Ông Đặng cũng nhấn mạnh, các nước cần tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp đang phát triển như thương mại điện tử, năng lượng sạch và 5G.
Minh Thu (lược dịch)