“Cuộc chiến vỉa hè” vào đề thi lớp 9
Đề kiểm tra môn Văn khối 9 của Quận 8 |
Ngày 21/4, nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức thi học kỳ 2. Nhiều giáo viên và học sinh cho biết, đề thi môn Ngữ văn của khối 9 năm nay tại nhiều quận đã ra theo hướng mở, có những câu đề cập đến vấn đề thời sự, yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức thực tế.
Tại Quận 8, đề thi môn Ngữ văn khối 9 có 3 câu thì trong đó 2 câu đề cập đến các vấn đề xã hội, yêu cầu học sinh phải suy luận.
Đó là câu 1 với trích đoạn tả một buổi tan trường tại trường tiểu học, phụ huynh đứng ngoài cổng trường nhìn thấy một đám tang đi ngang qua thì bàn tán vui vẻ về nhạc cử trong đám tang, chỉ duy nhất có một người lặng lẽ bước xuống xe, lấy mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm tay rồi đứng thẳng người, cúi đầu... Bên cạnh các câu hỏi ngữ pháp, đề yêu cầu học sinh “viết từ 3 đến 5 câu nêu cảm nhận của em về hành động của vị phụ huynh”.
Câu 2 nói về “cuộc chiến” đòi vỉa hè cho người đi bộ cũng như chủ trường lập lại trật tự đô thị của UBND TP, đề thi yêu cầu “Lấy nhan đề: “Vỉa hè cho người đi bộ” hãy viết một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy) để trình bày suy nghĩ của em”.
Em Hoài Thương (Trường THCS Phan Đăng Lưu) cho biết, em và các bạn rất thích thú với cách ra đề năm nay vì đề không nặng lý thuyết nhưng buộc học sinh phải động não, vận dụng hiểu biết trong cuộc sống và đọc tin thời sự thì mới làm bài được.
Đề thi môn Ngữ văn khối 9 của Quận 1 cũng đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống, trong đó có 2/3 câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng vào thực tế.
Câu 1 với đoạn trích bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesly – David McCullough nói về giá trị của bản thân, ngoài các ý hỏi về ngữ pháp, đề thi yêu cầu học sinh nhận định xem nội dung đó có ý nghĩa gì cho bản thân.
Ngoài ra, học sinh còn phải viết về câu “Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời” là như thế nào.
Câu 2 đề cập đến người Việt trẻ dốt nát và lười biếng cũng được giáo viên và học sinh nhìn nhận là thiết thực và có tính vận dụng cao.
Không chỉ có khối 9, đề thi môn Giáo dục công dân của khối 7 tại Quận 3 có câu hỏi về “Quy tắc 5 ngón tay” giúp trẻ bảo vệ bản thân trước nạn xâm hại tình dục.
Nhận định về đề thi năm nay, các giáo viên cho biết, đề thi, kiểm tra thời gian gần đây của các quận huyện đều được xây dựng theo hướng đổi mới đánh giá năng lực học sinh, đề cập đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống, buộc học sinh phải quan tâm đến những chuyển động của xã hội để vận dụng kiến thức từ cuộc sống vào bài thi. Đồng thời, qua đó muốn tăng cường ý thức của học sinh trước các vấn đề xã hội khi tham gia giao thông, rèn luyện các kỹ năng sống.