CSIS nghi Trung Quốc đặt trung tâm tình báo ngay giữa Biển Đông
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, Trung Quốc đã đặt các thiết bị liên lạc hoặc cảm biến ở phía đông bắc bãi Chữ Thập. Điều đáng nói, các thiết bị mà Trung Quốc trái phép đặt ở bãi Chữ Thập có quy mô lớn hơn bất cứ những thiết bị mà nước này từng đặt ở các đảo nhân tạo khác nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Thông tin được Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (CSIS) đưa ra dựa trên những bức ảnh vệ tinh và được chụp từ trên máy bay do tờ Philippine Daily Inquirer công bố hồi đầu tháng này.
Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập (thuộc chủ quyền của Việt Nam). |
“Điều đó cho thấy, bãi Chữ Thập có thể đang bị Trung Quốc biến thành một trung tâm tình báo hoặc thông tin liên lạc giữa các lực lượng Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông”, CSIS nhận định.
Bãi Chữ Thập là một trong 7 khu vực bị Trung Quốc trái phép biến thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Năm 2017 là năm ghi nhận Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng nhiều nhất ở bãi Chữ Thập với tổng diện tích khoảng 100.000 m2.
Cũng theo CSIS, Trung Quốc đã hoàn thiện đường băng dài 3.000 m ở khu vực phía bắc bãi Chữ Thập vào năm 2015. Ngoài ra, các nhà kho quy mô lớn đủ sức chứa máy bay ném bom cùng máy bay tiếp liệu và máy bay vận tải đã được Trung Quốc xây dựng ở phía nam đường băng trong năm ngoái.
Thậm chí, trong năm 2017, Trung Quốc cũng đã hoàn thành lắp đặt một radar cũng như 2 tòa tháp có mái che để chứa các cảm biến hoặc máy móc liên lạc ở bãi Chữ Thập.
Đại tá Trung Quốc nghỉ hưu Yue Gang thì cho rằng, căng thẳng tranh chấp hàng hải ở Biển Đông đang là nguồn cơn của căng thẳng trong khu vực. Do đó, mạng lưới liên lạc ổn định là cần thiết để làm giảm nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, bãi Chữ Thập chính là cơ sở phục vụ các hoạt động của Trung Quốc trên những khu vực mà nước này trái phép chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
“Từ bãi Chữ Thập, Trung Quốc có thể vươn ra nhiều thực tế bao gồm cả những khu vực mà nước này chưa chiếm đóng. Đó mới là điều quan trọng”, ông Koh nói.
Cũng theo ông Koh, chương trình xây dựng quy mô lớn ở bãi Chữ Thập cho thấy Trung Quốc muốn củng cố mạng lưới vững chắc trong khu vực.
“Trung Quốc muốn nhấn mạnh tới cộng đồng quốc tế mà đặc biệt là các lực lượng bên ngoài như Mỹ rằng Trung Quốc muốn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát trong khu vực. Cách duy nhất để củng cố tuyên bố chủ quyền trong khu vực là thông qua khả năng kiểm soát hiệu quả. Đưa thiết bị tới và đặt trên mặt đất là để nói với mọi người rằng họ sẽ ở đây và sẽ không rời đi”, ông Koh nói thêm.
Theo CSIS, tại bãi Subi, Trung Quốc đã cho xây một ngọn hải đăng quy mô lớn cùng một đường băng dài 3.000 m, một radar cùng các đường hầm dưới lòng đất mà khả năng để chứa đạn dược.
Tại bãi Gaven, một tấm pin năng lượng mặt trời đã được Trung Quốc xây vào năm 2015 cùng nhiều cơ sở khác như turbin gió, một tháp cao chứa cơ sở liên lạc và một trung tâm điều hành.