CSIS dự đoán những bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau phán quyết của PCA
Hội thảo của CSIS diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nói trong bài phát biểu khai mạc hội thảo: “Tôi bất ngờ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xem xét tất cả các điểm mà Phillippines nêu trong đơn kiện. Đây là một thành công cho Philippines. Nhưng tôi nghĩ, điều đáng nhấn mạnh là tòa án đã nói rất rõ rằng cả hai nước đều có quyền được đánh cá theo truyền thống tại bãi Scarborough. Điều này đã bất ngờ mở ra khả năng cho những hòa giải chính trị sau này”.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS. Nguồn: Zing |
Chuyên gia của CSIS nhận định: “Một điểm nữa mà tôi thấy thú vị là dường như tòa án đã ngầm xóa bỏ ý định của Trung Quốc trong tuyên bố đường 9 đoạn, hay ít nhất là những phần lãnh hải mà họ sẽ sở hữu theo lý thuyết đường 9 đoạn đó”.
Ngay khi phán quyết được đưa ra, trên trang web của mình, CSIS đã có bài phân tích, đánh giá và dự đoán về những diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Cụ thể, Trung Quốc luôn tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ phía tòa trọng tài và cơ quan này không có cơ chế pháp lý để ép buộc Bắc Kinh phải làm theo. Tuy nhiên, theo CSIS, Trung Quốc sẽ chịu nhiều chỉ trích cũng như trả giá cho danh tiếng và điều này có thể dần dần thuyết phục Bắc Kinh về lâu dài sẽ quay trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế và đối xử công bằng với Manila cùng các nước tuyên bố chủ quyền khác.
Nhận rõ điều này, Philippines và các đối tác như Nhật Bản, Mỹ sẽ không chỉ đưa ra tuyên bố của riêng mình, kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết, mà còn đề nghị các quốc gia khác cũng hành động tương tự.
Trong lịch sử, một số cường quốc từng từ chối phán quyết của các tòa trọng tài quốc tế và tìm một biện pháp chính trị có thể chấp nhận được để hòa giải. Việc Bắc Kinh tuân thủ đến đâu phán quyết của PCA vẫn còn là một câu hỏi mở, vì vậy đây là một trường hợp thử nghiệm điển hình về sự đồng thuận quốc tế thông qua hành động của Bắc Kinh.
Trung Quốc dù tuyên bố không tham gia vụ kiện nhưng vẫn ngấm ngầm chiến dịch tuyên truyền trong và ngoài nước, coi mình là “một nạn nhân”, tuy nhiên, nỗ lực này của chính phủ Bắc Kinh lại không đạt thành công như mong đợi.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, trước ngày phán quyết, chỉ có 8 quốc gia đứng về phía Trung Quốc, trong khi có tới 40 nước lên tiếng ủng hộ kết quả của tòa trọng tài quốc tế.
Còn bao nhiêu quốc gia khác sẽ lên tiếng về quyết định này? Và bao nhiêu nước tiếp tục làm vậy trong các cuộc gặp gỡ song phương, trên các diễn đàn quốc tế, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể thuyết phục được Bắc Kinh dừng các hành động ngang ngược của mình và tuân thủ theo luật pháp quốc tế? Mọi con mắt giờ đây đang đổ dồn về những người hàng xóm thân cận nhất của Philippines trong ASEAN, có thể đưa ra một tuyên bố chung về phán quyết của PCA.
Cuối cùng, sự thành công trong vụ kiện của Philippines phụ thuộc không chỉ vào những diễn biến theo sau phán quyết mà còn vào việc Manila cùng các quốc gia tương đồng khác như Mỹ có thể duy trì đủ áp lực buộc Bắc Kinh chấp nhận “bản án” này hay không.
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi đá Chữ Thập tháng 1/2015. Nguồn: CSIS |
Về việc phản ứng và hành động của Trung Quốc trong thời gian gần, CSIS cho rằng phản ứng của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào tham vọng của nước này cũng như phản ứng của Philippines, Mỹ và các quốc gia khác.
Trung Quốc sẽ không hành động ngay lập tức mà chỉ công khai bác bỏ phán quyết của tòa án. Là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 9 tới cũng như việc Tân Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đề nghị đàm phán, Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả một cách kiềm chế trong khoảng thời gian tới. CSIS nhận định, nếu như vậy, đây sẽ là cơ hội quan trọng để tiến hành đàm phán.
Tuy nhiên, với những hành động của Bắc Kinh trong hai năm qua, có thể chắc chắn một điều rằng phán quyết của PCA vào ngày 12/7 vừa qua sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng và mâu thuẫn giữa các bên. Song, các bước đi của Trung Quốc sẽ khó có thể trở nên hung hãn trong một vài tháng tới, ít nhất là sau Hội nghị G20.
Một trong những hành động trả đũa của Bắc Kinh có thể là xây đảo tại bãi cạn Scarborough. Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động trái phép ở đây từ tháng 3, song chưa thể triển khai triệt để do vấp phải những dấu hiệu phản đối mạnh mẽ từ Washington, bao gồm việc triển khai hoạt động của tàu sân bay USS John C. Stennis tại khu vực này, cũng như những cảnh báo trực tiếp từ Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.
Một phản ứng khác có thể xảy ra, đó là việc Trung Quốc sẽ chặn các tàu Philippines tới khu vực Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Các tàu Trung Quốc từng chặn việc tiếp tế cho các tàu Philippines trong vài tháng hồi đầu năm 2014, buộc Manila phải tiếp tế cho lực lượng của mình bằng đường hàng không. Tuy nhiên, hành động phong tỏa này có thể dẫn đến tình trạng bạo lực, khi quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tham gia đáp trả trực tiếp theo hiệp ước quốc phòng chung với Philippines.
Những hành động trả đũa khác có thể bao gồm đẩy nhanh thời gian biểu cho các hoạt động của Bắc Kinh đã dự tính làm trước đó. Trung Quốc có thể triển khai phi đoàn chiến đấu cơ đầu tiên đến các cơ sở ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn. Các đường băng ở đây đã được xây dựng trái phép thời gian qua.
Đây chỉ là một số hành động mà Trung Quốc có thể tiến hành trong thời gian tới để đáp trả phán quyết của tòa trọng tài. Tuy nhiên, tất cả đều cho thấy, mặc dù quyết định của tòa án là hiệu quả trong việc quản lý những tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian dài thì vẫn không thể tránh khỏi những căng thẳng leo thang trong thời gian trước mắt.
Nội dung được tham khảo trên trang web chính thức của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có địa chỉ tại https://www.csis.org.