Công nghệ số giúp lan toả nhanh những kiến thức kỹ năng tránh tảo hôn và mua bán người
Bà Hoàng Bích Ngọc, Điều phối viên Dự án Em Vui (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội- ISDS) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Infonet xung quanh nền tảng Em vui do đơn vị này triển khai.
Vốn là một đơn vị thực hiện nhiều dự án hướng đến bình đẳng giới, tập trung chủ yếu vào nhóm chị em phụ nữ, người yếu thế trong xã hội, vì sao ISDS lần này lại triển khai dự án Em Vui hướng đến nhóm trẻ em vùng dân tộc thiểu số?
Công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống và thay đổi một cách căn bản phương thức kết nối xã hội ở nước ta. Đặc biệt là khi hơn 70% dân số Việt Nam có điện thoại thông minh thì mạng xã hội đã trở thành kênh giao tiếp xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, các đường dây tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội để tăng cường các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, lừa bán nhiều phụ nữ và trẻ em cho các mục đích bóc lột sức lao động và bóc lột tình dục.
Mạng xã hội một mặt mở rộng cơ hội kết nối nhưng đồng thời vô hình chung đã tạo điều kiện cho việc kết hôn sớm ở một bộ phận thanh thiếu niên.
Để góp phần đẩy lùi hai vấn nạn này, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã cùng phối hợp với Plan International Việt Nam xây dựng dự án Em Vui với sự tài trợ của Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ.
Trong cuộc khảo sát đầu kỳ tại 4 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình và Quảng Trị, chúng tôi thấy phần lớn thanh thiếu niên ở các địa phương này rất tích cực sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Chúng tôi kết luận rằng chỉ có công nghệ số mới có thể cho phép tiếp cận một cách hiệu quả một số lượng lớn thanh thiếu niên và có sức lan toả nhanh những thông điệp cần thiết.
Đó chính là lý do để Em Vui ra đời. Emvui.vn là một nền tảng kỹ thuật số, nơi các bạn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số có thể tham gia để được trang bị kiến thức và kỹ năng nhằm tránh kết hôn sớm và nạn mua bán người.
Em Vui còn là một sân chơi để giúp thanh thiếu niên lớn lên an toàn, mạnh khoẻ và hiểu biết thông qua tìm hiểu những kiến thức về pháp luật, sức khoẻ sinh sản và tình dục, an toàn trên mạng... qua các hình thức học vui, chơi vui và đối thoại chính sách. Dự án đặt mục tiêu thu hút được 17.200 em thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 tham gia Em Vui và từ đó lan toả tới 57.400 em khác trên địa bàn dự án triển khai.
Với trẻ em nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng thì việc tiếp cận với công nghệ thông tin quá sớm được ví như con dao hai lưỡi. Mục tiêu của dự án là gì, Ban quản lý có hướng đến việc giúp các em biết sử dụng Internet an toàn, hiệu quả hay không?
Theo kết quả khảo sát đầu kỳ của dự án Em Vui, được tiến hành vào năm 2020 với 1.725 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (10-24 tuổi) tại 4 tỉnh dự án, chỉ có 10% (tương ứng với 172 em) tự khai có kiến thức cơ bản về kĩ năng an toàn mạng.
Những kĩ năng này gồm cách bảo vệ thông tin các nhân, cách phòng tránh lừa đảo, quấy rối, bắt nạt trên mạng, và biết các số điện thoại hỗ trợ khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng đây là tự đánh giá của các em. Kiểm tra kĩ năng của các em trên thực tế có thể cho kết quả thấp hơn.
Do vậy, Dự án đặt mục tiêu tạo ra một sân chơi lành mạnh thông qua nền tảng kỹ thuật số để thu hút các em tham gia học tập và thảo luận về các kiến thức, kỹ năng phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người và những chủ đề thiết thực khác trong một môi trường an toàn, thân thiện và hiệu quả.
Bên cạnh các nội dung về phòng chống tảo hôn, mua bán người, sức khoẻ, pháp luật thì một trong những nội dung quan trọng của Em Vui là Sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn.
Cho đến nay Dự án đã thực hiện tập huấn trực tiếp cho 4.766 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số từ 10 đến 24 tuổi về kiến thức internet và kỹ năng an toàn trực tuyến. Những em nòng cốt này sẽ là những thủ lĩnh của sự thay đổi, giúp lan tỏa thông tin kiến thức tới nhiều em khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các bài về an toàn mạng như sổ tay an toàn trực tuyến, video minh họa, bài học thư viện…kèm câu hỏi đố vui về chủ đề này được dự án đăng tải trên nền tảng Em Vui để phổ biến kiến thức, kỹ năng tới đông đảo các em.
Trong quá trình thực hiện, dự án có gặp khó khăn- thuận lợi gì không thưa bà? Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả ra sao?
Ngay từ khi Dự án mới bắt đầu triển khai Dự án đã luôn nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Cục An toàn Thông tin- Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng các cấp trên địa bàn dự án đã hết lòng giúp đỡ và tham gia tích cực trong quá trình triển khai.
Đặc biệt là sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể tại các xã dự án. Các cơ quan báo chí – truyền thông ở Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội cũng luôn đồng hành với đự án trong việc chia sẻ thông tin và giới thiệu dự án.
Nguồn động viên lớn nhất đối với chúng tôi chính là các em thanh thiếu niên - đối tượng đích của dự án. Các em tham gia rất hào hứng, nghiêm túc và đầy sáng tạo.
Trong quá trình thực hiện dự án Em Vui, khó khăn lớn nhất mà dự án gặp phải là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số miền núi thiếu các thiết bị học tập trực tuyến và đường truyền internet không ổn định, do đó để tăng số lượng các em được tham gia nền tảng Em Vui, dự án đã huy động tài trợ 1000 máy điện thoại thông minh để trao tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại vùng dự án.
Ngoài ra, theo kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, dự án còn cải thiện khả năng tiếp cận bằng cách gửi tặng các đoàn thể (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên) và nhà trường tại vùng dự án các USB chứa các sản phẩm giáo dục, truyền thông của dự án Em Vui để các cán bộ địa phương và các thầy cô giáo có thể sử dụng trong các hoạt động giảng dạy và truyền thông trực tiếp cho các em.
Dự án còn in và phân phát rộng rãi câu chuyện “Hành trình của Mỉ” – 12 tập nói về một bạn gái người Mông đã vượt qua những cạm bẫy của đường dây buôn người và trưởng thành như thế nào.
Hiện nay, dự án đã đi được 2/3 chặng đường và đạt được những chỉ số quan trọng của dự án. Trên website và ứng dụng Em Vui ghi nhận hơn 72.000 lượt truy cập với hơn 3.000 người đăng ký thành viên Em Vui, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thuộc địa bàn của dự án Em Vui. Trên nền tảng Em Vui, dự án đã xây dựng và đăng tải rất nhiều sản phẩm giáo dục truyền thông như các tập phim trong bộ phim “Hành trình của Mỉ”, video an toàn mạng, bài học thư viện, câu hỏi đố vui… và tổ chức các cuộc thi, chương trình nhận được sự quan tâm lớn của các em.
Xin cảm ơn bà !
N. Huyền (thực hiện)