Công khai nâng năng lực hải quân, Trung Quốc muốn "dằn mặt" Mỹ?
Hôm 26/5, Trung Quốc đã cho công bố "chiến lược quốc phòng mới" chú trọng dịch chuyển hoạt động trọng tâm của các lực lượng vũ trang sang chiến tranh hàng hải đồng thời cáo buộc một số quốc gia bên ngoài "can thiệp" vào vấn đề trên Biển Đông.
Theo Wall Street Journal (WSJ), những tranh chấp trên Biển Đông và sự bành trướng của Trung Quốc sẽ trở thành đề tài được đưa ra thảo luận giữa giới chức quốc phòng Mỹ - Trung tham dự cuộc họp an ninh mang tên Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapore trong tuần này.
Nâng caosức mạnh hải quân, Trung Quốc muốn giành toàn quyền kiểm soát các vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên như BiểnĐông. |
Trong những dòng tóm tắt đầu tiên về chiến lược quân sự, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh Hải quân nước này sẽ mở rộng hoạt động từ các vùng biển ngoài khơi sang vùng biển mở. Trong khi, lực lượng không quân sẽ chuyển trọng tâm sang hoạt động phản công cũng như phòng vệ trên lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Sách trắng quốc phòng về chiến lược quân sự được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố hôm 26/5, những thay đổi trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh là nhằm đối phó với các thách thức an ninh mới như việc Mỹ tăng cường hoạt động quân sự và các nguồn lực tới châu Á, Nhật Bản sửa đổi chính sách quốc phòng, và "những hành động mang tính khiêu khích" từ các quốc gia láng giềng trên Biển Đông.
"Chúng ta sẽ không tấn công nếu như chúng ta không bị tấn công nhưng chắc chắn nếu bị tấn công, chúng ta sẽ phản công", Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc viết.
Theo WSJ, nội dung trong Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc đã thể hiện rõ cam kết lâu nay của chính phủ Bắc Kinh về việc thi hành một chiến lược "quốc phòng chủ động" nhằm bảo vệ lợi ích và lãnh thổ quốc gia.
Bản chiến lược quân sự được công bố trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đang bị sứt mẻ liên quan tới hành động Bắc Kinh mở rộng khai hoang, bồi đắp và xây dựng trái phép trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược này.
Trong những năm qua, giới chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng hối thúc quan chức Trung Quốc công khai chiến lược và học thuyết quân sự. Việc Trung Quốc công bố chiến lược quốc phòng và thẳng thắn trình bày những kế hoạch quân sự sắp tới hôm 26/5 đã nhận được sự hoan nghênh từ phía Mỹ.
"Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc minh bạch và thẳng thắn. Đây là một ví dụ về sự minh bạch. Đây cũng là quyết định đi đúng định hướng. Chiến lược quân sự là của Trung Quốc, chúng tôi chỉ muốn Bắc Kinh công khai trước dư luận", Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
WSJ nhận định Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc sẽ trở thành đề tài chính trong cuộc họp an ninh Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapore trong tuần này, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, Đô đốc Sun Jianguo, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cùng các quan chức quốc phòng cấp cao ở châu Á.
"Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc dường như đã định hướng những đề tài được đưa ra thảo luận trong cuộc họp hội tụ giới chức quốc phòng hàng đầu tại phiên Đối thoại Shangri-La. Dù chủ yếu nhắc lại nỗ lực hiện đại các lực lượng vũ trang nhưng đây là lần đầu tiên, Trung Quốc công bố chiến lược quân sự theo cách có sắp xếp và lập luận", theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore.
Điểm nhấn trong Sách trắng quốc phòng là việc Trung Quốc chuyển trọng tâm hoạt động sang sẵn sàng đối phó với "các cuộc chiến quân sự trên biển", thuật ngữ nói về chiến tranh trên biển theo cách gọi của Bắc Kinh.
Lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới với tổng giá trị thương mại đạt 5 ngàn tỷ USD/năm. Chính hành động ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền và tìm cách kiểm soát trên Biển Đông trong những năm qua của Trung Quốc đã làm xói mòn mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington và các quốc gia châu Á. Biển Đông là vùng biển mà nhiều nước ở châu Á như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Singapore cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong thời gian gần đây, tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép tại 8 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo giới chức Mỹ, việc biến các rạn san hô và bãi đá ngầm trở thành đảo nhân tạo sẽ giúp quân đội Trung Quốc giành quyền kiểm soát các vùng hải phận và không phận xung quanh.
Do đó, trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã đề nghị các quan chức quốc phòng Mỹ nghiên cứu cách thức đối phó với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh như đưa máy bay giám sát của Mỹ tới khu vực Trung Quốc đang cải tạo trái phép và cử các tàu hải quân Mỹ tới khu vực cách các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng khoảng 12 hải lý.
Chia sẻ với giới phóng viên, hồi tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay Manila sẽ đề nghị "Mỹ mở rộng phạm vi hỗ trợ bởi quốc gia này đang bị đàn áp" trước các hành động phi lý của Bắc Kinh như xây đảo nhân tạo trên Biển Đông và ngăn không cho Philippines tiếp cận các vùng biển và không phận xung quanh.
Hôm 26/5, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu còn kêu gọi các quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tìm cách cùng hợp tác phát triển tại vùng biển giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt này.
Theo ông Yang, các hòn đảo nhân tạo có thể phục vụ mục đích quân sự và dân sự như tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu đại dương và bảo vệ môi trường. "Những cơ sở này không chỉ phục vụ lợi ích của Trung Quốc mà còn cả cộng đồng quốc tế", ông Yang biện minh.
Thậm chí, trong ngày 26/5, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc còn ra tuyên bố về việc cơ quan này đang cho xây dựng hai ngọn đèn hải đăng ở 2 bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Không chỉ biện minh cho hành động xây dựng trái phép ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn lên tiếng cáo buộc một số quốc gia bên ngoài đang can thiệp vào nội bộ Biển Đông như việc Mỹ điều máy bay giám sát tới khu vực Trung Quốc đang cải tạo trái phép hồi tuần trước.
"Tại sao các chuyến bay giám sát lại trở thành một đề tài nóng? Bởi một số nước đang tăng cường hoạt động tuần tra ở hải phận Trung Quốc, khiến tình hình an ninh ngày càng căng thẳng", ông Yang nói ám chỉ tới Mỹ.
Trong khi đó, lâu nay, Mỹ khẳng định nước này không đứng về bất cứ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mặc dù lợi ích quốc gia của Washington phụ thuộc vào việc duy trì các quy tắc tự do hàng hải ở Biển Đông. Thậm chí, mới chỉ từ năm ngoái, giới chức Mỹ mới tăng cường chỉ trích những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này.
Về phần mình, Đại tá Warren đã lên tiếng bảo vệ các chuyến bay giám sát của Mỹ trên Biển Đông và trên không phận quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang ngang nhiên có hành động xây dựng trái phép.
"Tất cả hoạt động của máy bay và tàu thuyền của Mỹ đều diễn ra trong khu vực hải phận và không phận quốc tế. Đó là một phần trong nhiệm vụ bảo vệ tự do hàng hải của chúng tôi", ông Warren nói.
Tại phiên đối thoại Shangri-La, nhiều khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ nhắc lại lời phản đối của Washington trước hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành. Trong khi đó, Đô đốc Sun sẽ trình bày chính sách quốc phòng và ngoại giao của Bắc Kinh cũng như đề xuất các bước tăng cường hợp tác liên quan.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.