“Cơn sốt” tỏi đen: Giá “thần dược”, công dụng… mù mờ
Choáng ngợp với những tác dụng của “thần dược”
Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng nhập tỏi đen về bán. Tỏi đen trên thị trường không còn là sản phẩm độc quyền được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản với giá từ 5-7 triệu đồng/kg như trước đây mà hiện đã có thêm các sản phẩm được làm từ nguyên liệu trong nước (tỏi Bắc Giang, Hải Dương, Lý Sơn, Thái Bình…) theo công nghệ nước ngoài. Giá bán tỏi đen loại này “mềm” hơn, nhưng đều từ 1 – 3 triệu đồng/kg.
Những viên tỏi đen được cho là có tác dụng đánh bay các loại bệnh |
Nghe nhân viên của một đại lý trên phố Nguyễn Trãi giới thiệu về công dụng của 5 loại tỏi đen khác nhau, rồi nếm thử từng loại, bà Ngô Hồng Cẩm ở phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân vẫn không biết nên mua loại nào. Bà Cẩm cho biết, về hình thức, các loại tỏi đen đều giống nhau, tép tỏi màu đen, vỏ ngoài mỏng và nhẵn nhụi, ngay cả mùi vị, đều chua chua, hơi ngọt giống như rượu vang. Cái khác, theo tư vấn của nhân viên bán hàng nằm ở chất lượng và công nghệ lên men, xử lý để đảm bảo giá trị dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, để tìm được chứng nhận khoa học của một tổ chức có uy tín hầu hết các sản phẩm tỏi đen đều không có. Vì vậy, cũng như bà Cẩm, nhiều khách hàng khi được hỏi đều thừa nhận, mua tỏi đen theo quảng cáo và trào lưu là chính.
Quả đúng là như vậy, chỉ cần một cú click, tìm hiểu thông tin về tỏi đen trên mạng thì người tiêu dùng nào cũng bị choáng ngợp bởi vô vàn tác dụng của nó. Theo như quảng cáo thì sản phẩm này đúng là thần dược bởi sau quá trình lên men, những củ tỏi có tác dụng như vị thuốc đặc trị đủ thứ bệnh: chống ôxy hoá cao, tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, cải thiện xơ vữa động mạch, cao huyết áp, cải thiện chức năng hệ tiêu hoá và đường ruột, chữa run tay cho phụ nữ sau sinh, tăng cường sức khỏe cho chị em sẩy thai, phòng và hỗ trợ điều trị ung thư… Vì đa tác dụng như vậy nên người già, phụ nữ… ở mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng.
Ngoài dạng củ, thời gian gần đây, trên thị trường, các chế phẩm khác từ tỏi đen như nước giải khát tỏi đen đóng chai, cao tỏi đen, viên nang mềm tỏi đen… có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… cũng được bày bán nhiều. Ăn theo trào lưu sử dụng tỏi đen, nhiều bà nội trợ tại Việt Nam đã mày mò cách tự làm thần dược này với giá rẻ hơn rất nhiều. Theo kinh nghiệm được lưu truyền, chỉ cần một chiếc nồi cơm điện, một lon bia để lấy men ủ và tỏi thường, sau từ 15 – 20 ngày ủ đã cho ra chế phẩm. Với cách làm này, một kg tỏi đen có giá rẻ hơn mua sẵn từ 50 – 75%.
Mới đây nhất, một số công ty đã nhập khẩu máy làm tỏi đen về rao bán càng làm cho tỏi đen trở nên có giá hơn. Chiếc máy này, theo giới thiệu của người bán, có hình dáng giống như nồi cơm điện, bên trong có nhiều khay xếp theo tầng, tỏi được xếp vào đây và xoay quanh trục để chín. Thời gian làm tỏi đen bằng máy ngắn hơn so với các công nghệ khác, kể cả công nghệ tự làm của các bà nội trợ khi chỉ có 12 ngày là đã xong một mẻ với công suất 1,5kg.
Đắt có đồng nghĩa với tốt?
Trào lưu tiêu dùng tỏi đen đang được người tiêu dùng đón nhận nhưng các nhà khoa học lại khá thận trọng khi đề cập đến tác dụng thực sự của tỏi đen. Đặc biệt là với những loại tỏi tự làm, công nghệ ngắn ngày bởi cho đến nay, về cơ bản, tỏi đen dù làm theo công nghệ nào thì cũng đều có hình thức và mùi vị giống nhau. Cái khác biệt làm nên chất lượng và giá trị của củ tỏi đen là các chất dinh dưỡng, các hợp chất chống ôxy hóa của nó thì lại không ai biết.
Vì thế, đi cùng với trào lưu tiêu dùng này là nhiều lời dấu hỏi về chất lượng và giá trị thực của nó. Hơn nữa, với một sản phẩm được xem là thần dược, thông tin đến với người tiêu dùng đa phần là những tác dụng thần kỳ; những thông tin khuyến cáo với khách hàng về cách thức sử dụng, liều lượng cũng như những chống chỉ định tuy cần thiết nhưng rất ít được đề cập.
Trao đổi về vấn đề này, huấn luyện viên dinh dưỡng Trần Lan Hương cho biết, chị đã đọc nhiều tài liệu nghiên cứu của nước ngoài về tỏi đen nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng của tỏi thường với tỏi đen. Trong khi đó, những tác dụng tuyệt vời của củ tỏi – gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày thì nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, tỏi là vị thuốc quý, có những công năng tuyệt vời trong việc kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia lâu năm về công nghệ thực phẩm cũng đồng tình với quan niệm này khi cho rằng, tỏi đen qua quá trình lên men khắc phục những nhược điểm của tỏi tươi là mùi tỏi rất nặng. Hơn nữa, sau quá trình lên men, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện thêm một số hoạt chất mới rất quý của tỏi đen. Vì vậy, đây có thể coi là một loại thực phẩm chức năng tự nhiên rất dễ ăn. Song cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào thực sự chuyên sâu về vấn đề này.
Vì vậy, việc tiêu dùng tỏi đen hiện mới chỉ dựa trên kinh nghiệm như ăn không thấy độc hại và có tính dưỡng sức tốt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tốt thì cứ thế ăn, ăn liên tục trong quá trình dài. Thực phẩm nói chung và tỏi đen nói riêng nên ăn có chừng mực, vừa ăn vừa thăm dò để lường trước những phản ứng không mong muốn với cơ thể.
Việt Bách/Báo Phụ nữ Thủ đô