Con đánh cha bợm nhậu - xin hãy chỉ là câu chuyện cá biệt!
Trên Facebook của tôi, tin nhắn inbox từ những phụ nữ có chồng nhậu nhẹt chiếm tỷ lệ không nhỏ. Họ là những người bị chồng bạo hành vì say xỉn.
Câu chuyện người mẹ ở Chương Mỹ hò con trai 16 tuổi trói gô bố lại và mẹ thì dùng chân đá, con thì dùng dép lê đập bố khiến tôi thoạt tiên phẫn nộ.
Tại sao ở ngay giữa một huyện của Hà Nội năm 2020 mà vẫn còn những cách hành xử nhuốm màu “thực dân phong kiến” đến vậy?
Nhưng càng kỳ lạ và sợ hãi hơn khi câu chuyện này được chia sẻ trong những group chị em thì lại nhận được vô vàn comment tán thưởng. Trời ơi, phụ nữ Việt Nam 2020 đang trở nên hung ác, tàn bạo, vô lối và côn đồ vậy ư?
Hình ảnh đứa con mới là học sinh lớp 11 ra tay "xử" người cha bợm nhậu ở Chương Mỹ khiến nhiều người bức xúc (ảnh chụp từ clip) |
Là tôi không ở trong trường hợp của họ, những người vợ phải hằng ngày đối diện với những gã chồng bợm nhậu. Tôi gõ trên Google từ khóa “đàn ông bạo hành vì say rượu” thì cơ man những câu chuyện được xổ ra.
Việt Nam đứng thứ nhì về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại…Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người mà chủ yếu là nam giới chỉ có hành vi bạo hành với vợ con sau khi đã say rượu bia…
Theo con số thống kê của các tổ chức có trách nhiệm, tại Việt Nam, gần 60% vụ bạo lực gia đình có liên quan đến rượu bia. Con số này có lẽ cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi một nghiên cứu khác xác định có 87% nạn nhân không nhờ chính quyền giúp đỡ, can thiệp vì người Việt chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, thường quan niệm “chín bỏ làm mười”, “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai”…
Trong mục Hộp đen ký ức trên Facebook của tôi, số inbox từ những phụ nữ có chồng nhậu nhẹt luôn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những phụ nữ hằng ngày vẫn bị chồng bạo hành vì say xỉn tất nhiên sẽ vô cùng ủng hộ khi đọc câu chuyện ở Chương Mỹ. Bởi đó đều là những phụ nữ bất lực.
Họ bất lực trước việc chồng say xỉn về đánh họ. Họ đọc câu chuyện ở Chương Mỹ và thấy đó như một hình phạt thích đáng mà họ mong được thấy. Nhất là điều đó được thực hiện bởi con trai họ - người đàn ông thương mẹ, bênh vực mẹ, bảo vệ mẹ.
Thậm chí, nếu có ai comment trái chiều, người đó sẽ bị cả một đám đông lao vào ném đá. Rằng thì “phụ nữ sao không bênh nhau mà chỉ bênh đàn ông?”, rằng “đàn ông kiểu đó đáng ăn đập. Thằng con làm vậy là đúng. Chứ thằng con mà về phe bố nó hay khoanh tay đứng nhìn thì mới gọi là bất hiếu”.
Tôi đọc những tranh luận đó mà lạnh sống lưng. Chỉ thấy rằng quá nhiều phụ nữ và phụ nữ bị quá nhiều những bạo hành như vậy. Đến mức họ quên mất rằng dạy con đánh bố là sai trái quá mức rồi. Thậm chí, cả chuyện đánh người cũng là phạm pháp. Chẳng ai được quyền hành hung, xâm phạm thân thể người khác. Đến đánh chó, đánh mèo trên đường còn có các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng. Vậy nên đánh chồng là sai.
Nhưng nhiều phụ nữ vẫn bị chồng đánh đó thôi? Sao không có tổ chức nào lên tiếng?
Không! Rất nhiều tổ chức và cả chính quyền sở tại đều không ai im lặng cả. Chỉ là nạn nhân giấu đi hoặc nạn nhân không muốn tố cáo.
Rất nhiều nạn nhân bạo hành lại bao biện, bênh vực kẻ xuống tay với mình. Ảnh minh họa |
Là vì, lại là vì, chính cả từ phụ nữ, nhiều người vẫn cho rằng bị chồng đánh là chuyện bình thường. Vì muốn giữ lại hôn nhân. Vì muốn giữ lại gia đình cho con cái. Vì phụ thuộc kinh tế. Vì thấp cổ bé họng… Hằng hà sa số lý do khiến phụ nữ chịu bị bạo hành. Và khi chịu đựng quá lâu rồi, thấy ở đâu có chuyện ai đó… dựng cờ khởi nghĩa thì đều hân hoan là vậy. Hả hê cũng được một vài trống canh là vậy.
Tôi không phải vì mình là đàn ông mà bênh vực đàn ông. Tôi cũng ghét những người nghiện rượu. Tôi cũng căm thù cả những người say vẫn leo lên xe phi ầm ầm rồi gây tai nạn. Càng phẫn nộ hơn với những gã đàn ông say về đập phá đồ đạc, mắng con đánh vợ.
Nhưng tôi thật lòng không mong muốn thấy phụ nữ ra tay hành hung chồng. Vì nó có thể khiến người phụ nữ đó vướng vào lao lý một cách không đáng. Họ đã quá khổ khi phải sống với một gã chồng say xỉn rồi, giờ lỡ tay có thể khiến họ đốt nốt những năm tháng của đời mình trong tù.
Luật pháp vốn chỉ nhìn vào chứng cứ và hành vi phạm tội. Luật pháp không có từ “nhưng”. Và nếu xúi con đánh bố, điều đó càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Thứ đứa con đó đang hành động không phải là bênh mẹ, bảo vệ mẹ. Mà đó là hành hung người khác.
Không thể xúi giục bất cứ ai hành hung người khác huống chi là hành hung bố mình. Chúng ta dạy con điều gì trong câu chuyện này?
Mỗi ngày có bao nhiêu phụ nữ bị người chồng say xỉn bạo hành? Ảnh minh họa |
Tôi vẫn cho rằng những phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình khi có một người chồng nghiện rượu hay uống rượu, xin hãy vì tương lai của mình mà lên tiếng.
Đừng giữ lại một cuộc hôn nhân mà ở đó mình bị đối xử tệ hại. Luôn có những nhà tạm lánh, Hội Phụ nữ, các tổ chức bảo vệ bà mẹ trẻ em sẵn sàng giúp bạn.
Nhiều năm, tôi tham gia với tư cách khách mời trong những cuộc trò chuyện của Hội LHPN Việt Nam, điều mà tôi thấy là sự trăn trở cũng như mong muốn cháy bỏng của các chị trong Hội: được bảo vệ phụ nữ. Nhưng bao nhiêu vụ việc xảy ra, chính những nạn nhân lại là những người muốn giấu, muốn bao che cho kẻ hành hung mình. Đó thực sự là sự đau xót, bất lực của các anh chị công tác xã hội.
Và cuối cùng, tôi thật lòng mong câu chuyện xảy ra ở Chương Mỹ sẽ chỉ là một câu chuyện cá biệt. Làm ơn, xin hãy chỉ là một câu chuyện cá biệt!
Hoàng Anh Tú
Theo www.phunuonline.com.vn