Cổ phiếu vật liệu, hạ tầng giao thông bứt phá
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Nguồn vốn khổng lồ đổ vào đầu tư các dự án đang mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhóm đầu tư công, kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan toả đến nhiều ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản.
Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, hạ tầng giao thông đồng loạt bứt phá với kỳ vọng từ cú hích đầu tư công.
Sáng 21/2, cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex sáng 21/2 tăng phiên thứ 6 liên tiếp, trong đó tăng trần hôm 15/2. Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải tăng mạnh phiên thứ 5 liên tiếp. Một số mã khác như Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Xây dựng Bình Dương (KSB), Xây dựng Coteccons (CTD), Fecon (FCN), DHA, LCG, HHV,... đều tăng giá.
Kể từ khi thị trường chứng khoán hồi phục từ đáy giữa tháng 11/2022, nhiều cổ phiếu đầu tư công đã tăng rất mạnh, mức 50-70%, như VCG, DHA, FCN, LCG,... vượt xa mức tăng của thị trường chung.
Chỉ số VN-Index sáng 21/2 có lúc tăng thêm 6-7 điểm (sau khi đã tăng hơn 27 điểm trong phiên liền trước) lên ngưỡng 1.095 điểm.
Theo Chứng khoán VNDirect, nhóm cổ phiếu đầu tư công có triển vọng tích cực và bứt phá trong năm 2023. Dự báo, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% so với cùng kỳ.
VNDirect cũng đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2023 khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.
Một số doanh nghiệp niêm yết đã được chỉ định tham gia một số gói thầu và sẽ hưởng lợi từ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng hoán sẽ hưởng lợi từ siêu dự án sân bay Long Thành.
Một số doanh nghiệp sở hữu mỏ đất, đá gần các dự án lớn (như Long Thành) cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ nguồn vốn khổng lồ cho đầu tư công. Không chỉ nhóm xây dựng, nhóm vật liệu xây dựng, mà một số nhóm khác như hạ tầng viễn thông... cũng được hưởng lợi.
Nhóm bất động sản và bất động sản công nghiệp cũng được hỗ trợ khi đầu tư công đẩy mạnh hạ tầng ở các địa phương. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam.
2023 là năm được kỳ vọng rất nhiều đối với lĩnh vực đầu tư công sau một năm khá thành công 2022. Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Trong năm 2022, theo số liệu từ Chính phủ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay và tăng khoảng 23,5% so với năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là hơn 551 nghìn tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Mạnh Hà