Cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt, VN-Index mất mốc 1.050 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 13/2, chỉ số VN-Index giảm 11,6 điểm xuống 1.043,7 điểm. HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,92%) xuống 204,49 điểm. Upcom-Index giảm 0,18% xuống 77,2 điểm. Thanh khoản đạt gần 12.000 tỷ đồng, trong đó có 10.459 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Đa số các cổ phiếu chịu áp lực bán ra rất lớn trong phiên chiều 13/2. Chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 20 điểm.
Tuy nhiên, áp lực bán giảm đôi chút vào cuối phiên, qua đó giúp VN-Index chỉ còn giảm 11,6 điểm khi đóng cửa.
Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều mã cổ phiếu bất động sản giảm sàn, như: Cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm 950 đồng xuống 12.800 đồng/cp. Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm 800 đồng xuống 11.250 đồng/cp.
DIC Corp. (DIG), Đạt Phương (DPG), Đất Xanh (DXG), Hải Phát (HPX)… cũng giảm hết biên độ.
Một số cổ phiếu xây dựng cũng giảm sàn như: Hòa Bình (HBC), Coteccons (CTD)…
Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.000 đồng xuống 44.400 đồng/cp. Vingroup (VIC) giảm 600 đồng xuống 53.400 đồng/cp.
Trong nhóm VN30, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá.
Vietcombank (VCB) giảm 1.000 đồng xuống 93.500 đồng/cp. VIBBank (VIB) giảm 800 đồng xuống 20.200 đồng/cp. VPBank (VPB) giảm 500 đồng xuống 17.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Bảo Việt (BVH) giảm 1.300 đồng xuống 48.500 đồng/cp.
Cổ phiếu Chứng khoán SSI và 2 cổ phiếu dầu khí GAS và Petrolimex (PLX) cũng cùng chiều.
Ở chiều ngược lại, BIDV (BID), Masan (MSN), Sacombank (STB)… là những mã đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số.
Nhóm ngành chế biến thủy sản và chứng khoán cũng bị bán mạnh với các mã giảm sàn như: ACL, ANV, IDI, VHC…
Khối ngoại bán ròng 82 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung vào Khang Điền (KDH), Đạm Phú Mỹ (DPM), Vinhomes (VHM)…
Trong cuộc họp ngày 8/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội nghị tín dụng bất động sản nằm trong chuỗi hội nghị của NHNN về tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Thống đốc cũng cho biết, ngành ngân hàng phải cân đối nhiều mục tiêu và vì mục tiêu chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thống đốc khẳng định nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro.
Về tình hình vĩ mô, tỷ giá USD/VND gần đây tăng.
Trên hệ thống ngân hàng, tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ mức quanh 23.600 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) trước và sau Tết Nguyên đán (11/1 tới 3/2) lên mức 23.750-23.790 đồng/USD trong tuần 6-10/2.
Đồng USD trên thị trường thế giới trong tuần qua bất ngờ tăng trở lại. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - sau khi tăng vọt từ mức 101,75 điểm hồi đầu tháng lên 103,75 điểm phiên giao dịch 7/2 (giờ Mỹ) và tới cuối tuần hôm 10/2 ở mức 103,6 điểm.
Giới đầu tư lo ngại, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục quá trình tăng lãi suất.
Mạnh Hà