Có nơi giá đất sau khi có dự án chênh tới 700 lần
Đây là ý kiến của bà Nhung tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022” sáng 9/3.
Không minh bạch giá đất, quy hoạch đất là nguy cơ cho rửa tiền, tham nhũng
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng việc chia sẻ thông tin không công bằng cho các nhóm đối tượng về kế hoạch sử dụng và bảng giá đất là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại chiếm tỉ lệ rất lớn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tốt ở nhiều quốc gia, nơi nào thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch và người dân có cơ hội cho ý kiến vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, thì nơi đó kiểm soát tốt hơn nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai.
PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung, Phó ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, nhiều vụ án lớn về đất đai những năm qua ít nhiều có vi phạm về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Trong đó, trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất.
Dẫn kết quả khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bà Nhung cho hay, có nơi giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần.
“Con số này cho thấy, địa tô chênh lệch thể hiện rất rõ lợi ích của người dân, chủ đầu tư, Nhà nước dường như không công bằng và là hậu quả trong đầu tư kinh doanh”, bà Nhung nhấn mạnh.
Theo bà Nhung, việc không minh bạch giá đất, quy hoạch còn là nguy cơ dẫn đến hoạt động rửa tiền, tham nhũng là những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Việc công khai thông tin trên các cổng thông tin điện tử của địa phương còn nhiều vấn đề, trong đó xảy ra 3 thực trạng chính là có công bố; công bố nhưng chưa đầy đủ và không công bố.
Bà cũng lưu ý, thời điểm công bố cũng rất quan trọng, gắn liền với nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải thu hồi đất. Chỉ khi công bố công khai, rất dễ có kiểm soát từ người dân, báo chí. Chính từ các hoạt động giám sát, thanh tra này, người dân có thể tiếp cận thông tin.
Bà kiến nghị xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, luật tiếp cận thông tin theo hướng hoàn thiện hơn việc thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giám sát của người dân.
Thông tin về quy hoạch, giá đất hiện nay vẫn rất mập mờ
Cùng mối quan tâm, GS. Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tính công khai, mức độ tiếp cận của người dân đối với thông tin về quy hoạch, giá đất hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Ông Dung cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, giá trị thông tin là rất lớn. Càng cung cấp cho người dân nhanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu và phần nào giải quyết tình trạng đầu cơ, tích trữ đẩy giá đất lên cao trong khi người có nhu cầu thực sự không mua được.
“Việc mập mờ thông tin dẫn đến tình trạng một số ít, hoặc nhóm người nắm được thông tin này sẽ làm giàu thông qua tích trữ, đầu cơ đất đai; gây khó khăn cho công tác quản lý và thất thoát cho Nhà nước”, ông Dung phân tích.
Một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi Luật Đất đai này theo GS Dung là làm sao người dân chủ động nắm bắt được thông tin về giá đất, về quy hoạch không tránh bị người nắm bắt thông tin đầu cơ, tích trữ.
Ông đồng tình với ý tưởng cần có một trang thông tin thống nhất về giá đất, người dân có thể dễ dàng truy cập, thao tác để nắm bắt được giá đất, quy hoạch nơi mình đang ở. Cơ quan dân cử từ Quốc hội, HĐND các cấp, cho đến MTTQ các cấp cần giám sát việc công khai thông tin về đất đai cho người dân.
Nghiên cứu vòng 2 của UNDP được thực hiện từ tháng 10/2022-2/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Qua đó cho thấy, việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện chậm cải thiện.
Về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2022, có 41/63 tỉnh thành (chiếm 65%) thực hiện, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2022 có 55,2% đã thực hiện, so với năm 2021 con số này tăng nhẹ (khoảng 7%).
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tính đến hết ngày 6/10/2022 có gần 49% (tương đương 345 UBND cấp huyện) đã thực hiện.
Thu Hằng