Cơ hội tỷ USD của ngành gỗ tại thị trường UAE
Số liệu mới cập nhật từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại họp báo Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương (BIFA Wood Vietnam 2023) cuối tuần này, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập nhận định, ngành gỗ đang trải qua một cuộc suy thoái lớn.
Tại thị trường chính là Mỹ, ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2023 đạt 633,5 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật cũng giảm 16% về lượng; giảm 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Quốc gia này nhập khẩu đồ nội thất gỗ chủ yếu từ Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia.
Trước thực tế khó khăn chung tại một số thị trường mà ngành gỗ phải đối mặt, Hawa đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiềm năng, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Tại hội thảo trực tuyến về tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Đông do Hawa tổ chức mới đây, ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE, thông tin, hầu hết các mặt hàng gỗ và đồ trang trí nội thất UAE đều phải nhập khẩu. Quốc gia này đang tập trung xây dựng và phát triển đô thị. Vì vậy, nhu cầu nội thất cho các tòa nhà mới, biệt thự cao cấp là rất lớn.
Thêm vào đó, đặc thù của thị trường UAE là nhà cho thuê không có bất kỳ đồ vật nào. Người thuê nhà phải tự mua sắm toàn bộ đồ nội thất, đồ gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế,... Do vậy, nhu cầu sản phẩm từ gỗ phục vụ trang trí nội thất là tiềm năng.
Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại UAE, doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023-2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất là nội thất phòng khách, trị giá lên đến 1,08 tỷ USD năm 2023.
Thống kê kim ngạch nhập khẩu nội thất vào UAE cho thấy, Việt Nam đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang UAE, sau các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Ấn Độ...
Theo ông Imraan Hassan, đại diện Tập đoàn nội thất The Bed, doanh nghiệp tại UAE đang muốn đa dạng hóa hơn nguồn cung ứng sản phẩm. Bàn ăn, ghế dài, giường,... là những sản phẩm đang có nhu cầu cao ở UAE. Thị phần sản phẩm của Việt Nam còn ít, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Thành viên của The Best Room Furniture, ông Jagdisj Sethi cho biết, nội thất phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ đều là lựa chọn của các nhà mua hàng, bởi các dự án bất động sản đang phát triển nhiều tại UAE. Chính phủ UAE cũng cam kết đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhiều dự án sẽ hình thành trong tương lai. Từ đó, nhu cầu nội thất sẽ gia tăng.
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý, thị trường rất mở và tiềm năng nên mức độ cạnh tranh cao, đặc biệt là về giá bán. Doanh nghiệp cần chào mức giá phù hợp khi muốn đưa sản phẩm vào UAE.
Trần Chung