Doanh nghiệp ngành gỗ phục hồi sản xuất trong bối cảnh 'bình thường mới'
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra 2 năm nay, nhất là đợt bùng phát thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gây khó khăn cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao...
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra 2 năm nay, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.
Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” đã tăng khoảng 20-30%; tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vắc xin rất thấp. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng 15-20% người lao động được tiêm vắc xin.
Sản xuất tại Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (TP Thuận An, Bình Dương - Ảnh: BDO). |
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong 3 tháng gần đây, trị giá xuất khẩu đã giảm đáng kể. Riêng tháng 8/2021 ước giảm hơn 22% so với tháng 7/2021.
Tuy nhiên, bước sang tháng 9, nhiều doanh nghiệp gỗ đã phục hồi sản xuất. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021, chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất là Malaysia, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, cho biết, đến thời điểm hiện nay, khoảng 90% số công nhân tại các doanh nghiệp gỗ đã được tiêm vắc xin, 10% còn lại chủ yếu tập trung tại các vùng ngoài dịch, lượng vắc xin chưa được phân bổ đến hoặc do công nhân về quê tránh dịch chưa quay lại làm việc.
Cùng với việc dịch bệnh đã dần được kiểm soát nên nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương cho doanh nghiệp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có mục tiêu “đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Theo báo cáo, trong thời điểm giãn cách, số lượng công nhân hạn chế, năng suất làm việc giảm đáng kể, công suất sản xuất chỉ bằng 20-25% so với trước khi giãn cách. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cả trong nước và quốc tế đều tăng cao là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Đến nay, về cơ bản là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để thích ứng với giai đoạn khó khăn này. Cụ thể một số doanh nghiệp vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với đối tác, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng khi tình dịch tiến triển tốt hơn. Chính vì vậy, khi hoạt động sản xuất được khôi phục, doanh nghiệp không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng.
"Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời các doanh nghiệp cần phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch, hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Nguyễn Hải
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.