Cô giáo yêu cầu học sinh đếm 10.000 hạt gạo, dân mạng chỉ trích cách làm của phụ huynh
Đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông giúp con trai làm bài tập về nhà yêu cầu đếm 10.000 hạt gạo nhanh chóng gây bão mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người lao vào chỉ trích cách giúp con đếm gạo của người đàn ông, và sự phi lý của bài tập về nhà kiểu này.
Người cha giấu tên ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc cho biết giáo viên tại trường tiểu học của con trai đã yêu cầu cả lớp về làm bài tập về nhà là đếm 10.000 hạt gạo.
Trong video, người cha đã huy động các thành viên khác trong nhà cùng ngồi đếm gạo giúp con trai hoàn thành bài tập về nhà.
Ban đầu, cả nhà gom 5 hạt gạo làm một nhóm, và sau đó dùng miếng bìa các tông để gạt thành từng đống nhỏ để dần dần tính tổng số gạo đã đếm được.
“Đây là bài tập về nhà của nhà trường, đếm 10.000 hạt gạo. Trời ơi! Tôi đã phải huy động cả gia đình vào hỗ trợ”, tiếng nói của nam phụ huynh vang lên trong video.
“Dù giáo viên có kiểm tra hay không, tôi nghĩ các em học sinh vẫn cần có thái độ nghiêm túc hoàn thành bài tập về nhà”, người cha nới với trang tin Express News Broadcasting.
“Các giáo viên đang rèn cho học sinh cần có thái độ nghiêm túc với mọi chuyện cần phải làm”, người cha nhấn mạnh.
Song đoạn video được người cha chia sẻ lên mạng xã hội lại nhận phải “cơn mưa” chỉ trích từ cư dân mạng về cách đếm gạo của những người trong nhà.
“Quả là người thông minh. Anh ta thực sự ngồi đếm từng hạt gạo một hay sao. IQ của anh ấy làm tôi bất ngờ”, một cư dân mạng để lại bình luận mang tính châm biếm trên Douyin.
“Có một cách vô cùng đơn giản, hãy mang túi gạo tới trường và nói với giáo viên rằng ‘Trong này có 10.000 hạt gạo. Nếu cô không tin, có thể đếm lại’”, người khác chia sẻ.
“Chắc hẳn tại trường, cậu bé đã được học tích số trong môn toán. Vậy tại sao không tính trọng lượng của 100 hạt gạo, và sau đó nhân lên 100 lần là ra trọng lượng của 10.000 hạt gạo. Cách làm của người cha chỉ làm tốn thời gian của cả nhà”, người khác chỉ trích.
Tuy nhiên, số ít bày tỏ sự ủng hộ trước cách đếm gạo của người cha.
“Có thể mục đích của giáo viên là rèn cho học sinh khả năng tập trung và kiên nhẫn. Người cha đã hiểu được mục đích sâu xa này”, một người cho biết.
Không ít phương pháp dạy dỗ phi truyền thống không chỉ từ phía thầy cô, mà từ cả phía phụ huynh với con trẻ từng làm dậy sóng tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc trong những năm qua.
Điển hình, hồi tháng Tư, một phụ huynh ở tỉnh Hồ Bắc đã bắt con gái (11 tuổi) đi đào ngó sen dưới hồ nước trong vài tiếng đồng hồ dưới thời tiết nắng nóng, với hy vọng dạy con về những khó khăn trong cuộc sống tương lai nếu không học hành đến nơi đến chốn.
Còn hồi tháng Tám, một bé trai (8 tuổi) ở tỉnh Phúc Kiến đã bị mẹ bắt đi nhặt rác để kiếm đủ số tiền 10 nhân dân tệ (2,8 USD) để trả lại cho bà, vì trước đó cậu bé đã lấy trộm tiền của bà.
Minh Thu (lược dịch)