Cố gắng khắc phục hạn chế của dạy và học trực tuyến
Năm học 2021- 2022 bắt đầu trong điều kiện vô cùng đặc biệt do dịch bệnh, nhiều địa phương cho học sinh học trực tuyến ngay sau ngày khai giảng.
Tận dụng "thời gian vàng" dạy trực tiếp
Dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh không thể đến trường. Vì thế, nhiều địa phương chủ động phương án dạy học trực tuyến, đồng thời tranh thủ "thời gian vàng" để học sinh được đến trường học trực tiếp.
Tại Hải Dương, ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết địa phương này đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên tận dụng tối đa "thời gian vàng" để học sinh được đến trường học trực tiếp.
“Sở GD&ĐT Hải Dương đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo các tổ chuyên môn, từng giáo viên tranh thủ tối đa khoảng “thời gian vàng” để hướng dẫn học sinh những kiến thức trọng tâm, cốt lõi của từng môn học.
Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục linh hoạt triển khai, áp dụng các hình thức dạy học. Mỗi cán bộ, giáo viên phải thay đổi để thích ứng, không để bị động, bất ngờ kể cả trong kiểm tra, đánh giá.
Sở GD&ĐT Hải Dương cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống có thể xảy ra do dịch bệnh để chủ động trong việc dạy học" - ông Hưng cho biết.
Nhiều địa phương tranh thủ "thời gian vàng" dạy trực tiếp |
Còn tại Bình Định, Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng các kịch bản năm học 2021 - 2022 trong điều kiện dịch bệnh, tương ứng với 4 mức độ nguy cơ: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.
Theo đó, tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để triển khai dạy học trực tiếp đối với "vùng xanh"; dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp theo phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học". Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm kế hoạch năm học, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.
Đánh giá học sinh học trực tuyến thế nào?
Học trực tuyến trong thời điểm này với nhiều học sinh là vô cùng khó khăn khi thiết bị và đường truyền không đảm bảo khiến giờ học ngắt quãng, đứt đoạn... Vậy nên nhiều em lo lắng không biết việc đánh giá kết quả học tập sẽ thế nào.
Theo PGS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) thì mới đây Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22 để áp dụng cho chương trình mới, có 4 bài kiểm tra định kỳ trong năm, trong đó 2 bài cho một học kỳ là bài giữa kỳ và cuối kỳ. Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính.
Với bài kiểm tra trên máy tính, nhà trường xây dựng ma trận đề thi để ra đảm bảo đề thi khách quan minh bạch, trung trực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Trong trường hợp nếu có kết quả bất thường, nếu học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Quan trọng nhất là các nhà trường ra đề làm sao đảm bảo được minh bạch.
“Việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là quá trình báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh và hỏi đáp của thầy cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em.
Đó chính là tinh thần của đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Tuỳ theo môn học và đặc thù của môn học, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức như vậy để vừa phù hợp với môn học, vừa phù hợp với tinh thần dạy học trực tuyến.
Điều quan trọng ở đây không phải học sinh được bao nhiêu điểm mà là qua đây thúc đẩy được việc dạy học và giúp học sinh tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là phẩm chất trung thực”, ông Thành nói.
Trước việc nhiều người lo ngại học sinh làm bài kiểm tra ở nhà sẽ dễ gian lận, ông Thành cho rằng, hơn ai hết bố mẹ phải là người nhìn thấy tương lai của con, nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá thì vô hình sẽ lợi bất cập hại cho chính các con, cha mẹ đừng dạy các con sự gian lận.
Hoàng Thanh