Cơ cực cảnh đi tàu Tết 'chui'
Nhiều người không có vé phải đi tàu "chui" rất cực khổ. |
Những người đi tàu chui (không vé) vì nhiều lý do như không mua được vé, tiết kiệm tiền,... Họ chỉ cần quen biết hay có người quen giới thiệu nhân viên của tàu, hoặc nhân viên tàu bắt “tín hiệu”, chỉ cần bỏ một số tiền bằng nửa giá vé chính thức là có thể lên tàu về đến quê. Để qua được cổng vào ga lúc đi và ra ga lúc tới nơi, người đi “chui” phải mua vé tiễn, nhưng cũng có thể chỉ cần nói người nhà của một nhân viên nào đó trên tàu là được. Theo quan sát, các nhân viên tàu và người đi tàu "chui" thường trao đổi giá cả và giao tiền ngay trên toa vừa lén lút vừa lộ liễu. Thường các nhân viên toa tàu không “ăn” một mình mà phải “chung chi” với những người có trách nhiệm khác.
|
|
Khách đi tàu nằm, ngồi la liệt ở các ghế phụ. |
Lang thang các toa tàu, chúng thôi chứng kiến cảnh chật chội, nhồi nhét không khác gì xe khách; người nằm, ngồi, đồ đạc bỏ khắp nơi từ hàng ghế chính cho đến nhà vệ sinh, cửa lên xuống, bên thùng đựng rác. Người ăn, uống, ngủ, trẻ em khóc, người nằm trên ghế, dưới ghế, hành lang,người đi dẫm lên người nằm kêu í ới…
Gia đình 3 người của anh Tân (quê Thái Bình) đang ngồi, nằm vật vạ bên cửa buồng vệ sinh. Anh cho biết mới quyết định về quê ăn Tết cách đây một ngày nên không mua được vé. Được người quen giới thiệu đi tàu “chui”, anh như “chết đuối vớ được cọc”, mỗi người hết 900.000 đồng. Khi tàu lăn bánh, anh mới thấm thía cảnh đi tàu "chui". “Nhân viên toa sắp xếp cho gia đình tôi ngồi cạnh buồng vệ sinh, khi tôi thắc mắc thì nhận được trả lời anh thông cảm, ngày Tết đông quá, không thể sắp xếp chỗ khác được", anh Tân nói.
Khách đi tàu "chui" ngồi ngay trước cửa toilet của toa tàu. |
Không thể ngủ được vì luôn có người qua lại. |
“Gần một ngày trời ngồi ở đó chúng tôi quá mệt mỏi, khách đi vệ sinh liên tục, mùi hôi bay ra rất khó chịu. Chỗ này cũng là nơi những người nghiền thuốc ra đứng hút thường xuyên nên hít khói mệt nghỉ”, anh Tân chia sẻ. Khi nói chuyện về việc đi tàu "chui", anh Hoàng (quê Hà Tĩnh), tặc lưỡi: “Tôi lên tàu muộn ở ga Biên Hòa, nên phải ngồi chỗ nối nhau của 2 toa, đêm qua tôi không kiếm ra chỗ nào để ngã lưng, cứ ngồi gục bên hành lang chứ không ngủ được, giờ thấy đuối quá rồi”.
Còn chị Nhung, quê Nghệ An, cho hay chị đi xe bị say nên có người quen giới thiệu đi tàu "chui" và đảm bảo chắc chắn sẽ có ghế, nhưng khi lên tàu thì được nhân viên toa đưa cho cái ghế nhựa với giá 800.000 đồng. “Hành trình từ TP.HCM về ga Vinh hơn 28 giờ, tôi không ngờ lại vất vả như thế này, ngủ không được, không có chỗ nằm, thường xuyên đứng dậy tránh đường cho người ta đi”, chị Nhung nói.
Các chuyến tàu Tết luôn đông đúc, chật chội. |
Lê Quân