Clip chui túi nilon qua suối: Hiệu trưởng khẳng định đó là sự thật!
Điểm Trường Sam Lang, nơi các thầy cô vẫn miệt mài đem cái chữ cho dân bản (ảnh Hồng Chuyên) |
Cô Vi Thị Luân, dân tộc Thái, là Hiệu trưởng trường Mầm non Nà Hỳ. Cô Luân công tác tại đây từ năm 2001, bắt đầu làm hiệu trưởng tháng 10/2011. Cô cũng là người phụ trách trực tiếp cô giáo cắm bản Tòng Thị Minh. Hơn ai hết, cô Luân là người hiểu rõ những khó khăn của giáo viên trường mình.
Thưa cô, khi xem clip “ cô giáo chui túi nilon qua suối”, do cô Minh ghi lại, phát trên Đài truyền hình, cảm giác của cô như thế nào?
Khi xem clip đấy, thực sự tôi cũng rất nghẹn ngào. Như các anh cũng biết, mùa khô thì không sao, cứ đến mùa mưa vào tháng 6, 7, 8 đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, các cô đi chiêu sinh và đi dạy phải nhờ người dân hoặc các thầy cô cùng đi đưa qua suối bằng cách đấy. Ở đây, có nhiều điểm cũng khó khăn như vậy, có một số điểm còn khó khăn hơn.
Được biết sau khi clip phát trên báo, phòng giáo dục huyện Nậm Pồ đã có đoàn vào xác minh, điều này có đúng không, thưa cô?
Ngay sau đó, Chủ tịch huyện Nậm Pồ và Trưởng phòng giáo dục cũng vào động viên cô, trò và thăm các thầy cô ở điểm trường đó. Huyện cũng gọi điện báo cho tôi, nhưng tôi hỏi ý kiến là “em có phải đi theo đoàn không” thì các anh ấy bảo “không phải đi”.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ: “Tôi đã có văn bản cấm giáo viên qua suối bằng túi nilon”
Ông Thuận khẳng định, phòng giáo dục vào điểm trường Sam Lang thường xuyên. Ông khẳng định việc đi qua bằng túi nilon của người dân là có thật. Tuy nhiên nó chỉ diễn ra vào thời điểm mùa mưa. Ông cũng khẳng định có biết việc người dân qua suối bằng túi nilon.
Theo ông Thuận, Phòng giáo dục huyện Nậm Pồ đã có chỉ đạo không cho giáo viên qua suối bằng túi nilon, yêu cầu giáo viên qua suối bằng bè, xuồng, mùa mưa hạn chế đi lại.
Đúng như vậy!
Cô có chứng kiến hoặc nghe người dân nói về chuyện chui túi nilon qua suối không?
Cảnh này cô Minh quay từ tháng 9 năm ngoái và vừa rồi báo Tuổi trẻ lên xây dựng điểm trường ở đấy, cô ấy cho xem lại, sau đó báo Tuổi Trẻ đăng tải. Trước đó, cũng có nhà báo khác biết, xin nhưng cô Minh không cung cấp.
Tôi cũng có nghe báo cáo về việc qua suối như vậy.
Cô có bao giờ vào điểm Sam Lang bằng cách chui túi nilon qua suối không?
Chưa, vì mùa mưa rơi vào hè. Cối tháng 8 các cô giáo mới đi chiêu sinh, mới phải qua suối bằng cách đấy. Còn mùa khô không phải qua bằng cách đó.
Cô giáo Tòng Thị Minh và chiếc điện thoại ghi lại cảnh chui túi nilon... qua suối (ảnh Thái Anh) |
Tầm tháng 9 thỉnh thoảng cũng có lũ cuối mùa, đúng không cô?
Đúng như thế!
Thỉnh thoảng cô cũng vào kiểm tra điểm trường Sam Lang chứ?
Vâng, thỉnh thoảng tôi vào vì bây giờ trường cũng chỉ có một mình tôi là ban giám hiệu chứ chưa có ban giám hiệu. Tôi còn bao quát cả hai xã Nậm Chua và Nà Hỳ. Đầu năm tôi thường đi kiểm tra các điểm trường một vòng sau đó cho tổ trưởng, công đoàn sẽ đi.
Một năm cô vào 1 đến 2 lần?
Vâng, tôi vào khoảng 2 lần vào mùa khô.
Đường vào Sam Lang, trời mưa có đi được không?
Không đi được anh ạ. Phụ nữ lại càng không thể đi được mà phải có người chở, có khi các thầy cũng phải đi bộ 4 đến 5 tiếng mới đến bản.
Bên ngoài phòng học và phòng nghỉ ngơi của điểm mầm non Sam Lang (ảnh Hồng Chuyên) |
Điểm trường Sam Lang hiện có những lớp học nào, thưa cô?
Ở tiểu học tôi cũng không nắm rõ, tôi chỉ quản lý mầm non thôi. Hiện tại ở Sam Lang có một lớp. Hiện bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị phổ cập trẻ em 5 tuổi nên huy động hết số trẻ 5 tuổi của ba nhóm đấy đến học ở Sam Lang 2. Còn 3 tuổi, 4 tuổi ở rải rác, kế hoạch của năm tới, chúng tôi sẽ mở thêm.
Tổng số trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở khu vực Sam Lang này là bao nhiêu?
Trẻ em 5 tuổi năm nay là 15 cháu, năm nay huy động hết 100% phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.
Cảm ơn cô!