Chuyện ở lớp học xoa bóp: "Sao ngón tay cái của thầy có tận 3 đốt?"
Khi chúng tôi đến thăm lớp, như thường lệ, 7h30 sáng, lớp xoa bóp của thầy Tuấn đã đông đủ và sẵn sàng cho giờ học mới. Có một điều khác với những lớp học thường, là trước đó, để vào lớp thì các học viên sẽ phải lần tay lên những ký tự chữ nổi ngoài lớp học để chắc rắng mình không vào nhầm lớp.
Chúng tôi may mắn khi đến trung tâm đúng vào ngày có giờ thực hành của lớp xoa bóp. Trái với hình dung của tôi, lớp học của những người khiếm thị nhưng vẫn rộn rã tiếng cười.
Chia sẻ nhiều kỷ niệm trong nghiệp dạy học của mình nhưng câu chuyện mà thầy Tuấn ấn tượng nhất là trong một tiết hướng dẫn phần giải phẫu cho học viên. “Bởi vốn cả thầy và trò đều không nhìn thấy. Giảng đến đoạn về các đốt của ngón tay cái cho cả lớp thì có học viên vừa nghe vừa sờ ngón tay mình, rồi thắc mắc: “Ơ thầy ơi, sao ngón cái của thầy lại có tới 3 đốt?”.
Mình nghe hỏi thế cũng thấy lạ, nhưng rõ ràng lúc ấy mình đang sờ tay mình nhưng không thấy có tay bạn nào ở ngón cái cả. Hóa ra, vì không nhìn thấy nên bạn ấy sờ nhầm sang ngón trỏ mà không biết. Thế là cả lớp được trận cười vỡ bụng”.
Làm việc ở trung tâm từ năm 1997, đến nay đã là tổ trưởng tổ xoa bóp của trung tâm, bản thân là người khiếm thị nên biết được khó khăn của những người khiếm khuyết, thầy giáo Đỗ Như Tuấn tâm niệm không có cách nào hợp lý hơn là làm nghề giáo để cống hiến sức lực, khả năng của mình giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Thấy thích thú và thấy công việc xoa bóp rất thích hợp với những người khiếm thị nên thầy Tuấn đã đi học quyết tâm theo và đến với nghề này ngay từ khi học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
Theo thầy Tuấn, thầy thực sự thích với bộ môn này bởi xoa bóp là một phương pháp không dùng thuốc mà chỉ dùng đôi bàn tay tác động lên cơ thể. Người khiếm thị thì gần như đã mất đi đôi mắt rồi nhưng bù lại đôi tay của họ lại rất nhạy cảm.
Khó khăn lớn đối với người khiếm thị vẫn là trong những giờ thực hành, và lớp xoa bóp của thầy Tuấn cũng không phải là ngoại lệ.
“Với người mắt sáng thì thầy giáo chỉ làm mẫu một lần thì cả lớp cùng nhìn được rồi làm theo. Nhưng người mù chỉ có thể nghe thầy nói được thôi, vì vậy người thầy phải hướng dẫn lại nhiều lần, có thể nói phải đi từ đầu đến cuối lớp để hướng dẫn từng em một. Cái khó nhất khi học về giải phẫu cơ xương khớp, nhiều chỗ phải hình dung như hình học không gian. Có những nét khuất cho nên rất khó để chỉ được một cách chi tiết, người mắt sáng học hình học không gian đã khó, người mù thì khó khăn lại gấp bội phần”, thầy Tuấn nói.
Yêu cầu với nghề này, ngoài trí tuệ và tư duy, học viên cần phải có sức khỏe khá bởi nghề này cũng cần dùng đến nhiều sức lực. Một điểm nữa là, bàn tay phải không đổ mồ hôi. Một số người tay mồ hôi quá nhiều thì khi học sẽ gặp rất nhiều hạn chế bởi khi tác động trực tiếp vào da của người ta sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, tuyệt đối không được để móng tay bởi có những lúc vô tình sẽ làm rách da khi tiếp xúc.
Theo thầy Tuấn, một khóa học ở trung tâm sẽ kéo dài 3 tháng. Điều đáng mừng là sau khi kết thúc các khóa học, học viên không phải lo về đầu ra, thậm chí học đến nửa thời gian khóa học đã có người đến hỏi. Có những khóa mà khi các trung tâm khác đến liên hệ thì chả còn người nào.
Thầy Tuấn chia sẻ: “Sự nghiệp trồng người nên mong các thầy cô tiếp tục yêu nghề, có tâm huyết và luôn trau dồi học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ để chắp cánh cho những học sinh thân yêu của mình. Riêng với các bạn có hoàn cảnh không may mắn, người tàn tật để làm được hay học được một cái gì đó là rất khó vì thế mà các bạn cần nghị lực hơn. Bởi tinh thần tương thân tương ái luôn có trong xã hội, nếu chúng ta có nghị lực quyết tâm thì chúng ta sẽ có những tương lai tốt đẹp hơn”.
Một số hình ảnh tại lớp học xoa bóp của thầy Tuấn mà PV ghi lại được: