Chuyên gia WHO chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc
Số ca nhiễm tại Trung Quốc đang giảm mạnh, cho thấy hướng đi của đại dịch đã đảo chiều tại đây, tiến sĩ Gauden Galea, đại diện của WHO ở Trung Quốc cho biết.
Hiểu về ‘căn bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân’
Covid-19 là căn bệnh do chủng virus corona mới nhất được phát hiện gây ra, họ virus này từng gây ra các hội chứng đường hô hấp nghiêm trọng như SARS và MERS. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức vào cuộc từ ngày 31/12/2019, khi họ nhận được thông báo về một ‘căn bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân’ được ghi nhận tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.
Dụng cụ và thiết bị y tế đượcChương trình Lương thực Thế giới (WFP) gửi đến Bắc Kinh |
Tiến sĩ Galea cho biết trong giai đoạn đầu tiên này, có 3 câu hỏi chính cần phải trả lời: Phương thức lây lan của virus, mức độ nghiêm trọng, và các biện pháp kiểm soát.
“Nói cách khác, 3 tuần đầu tiên chúng tôi tập trung sâu vào cuộc điều tra dịch tễ ở địa phương, đặt ra các câu hỏi với các nhà điều tra Trung Quốc, tìm kiếm sự diễn giải từ các mạng lưới chuyên gia quốc tế, phát triển các đầu mối liên lạc về rủi ro xung quanh các thông tin mà chúng tôi đã có, gửi đi thông điệp qua truyền thông, liên hệ với các đối tác ở Liên Hợp Quốc và các đại sứ quốc tế tại Bắc Kinh”.
Tiến sĩ Galea và các đồng nghiệp đã đến Vũ Hán từ 20-21/1, chỉ vài ngày trước khi thành phố này bị phong tỏa. Ở thời điểm đó, chưa có nhu cầu quá cao cho các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, khi các chuyên gia y tế Trung Quốc và quốc tế thực hiện một nhiệm vụ chung vào thời điểm một tháng sau đó, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
Ông Galea thừa nhận đã có những thiếu sót vào thời điểm đó, song ông cho biết ngay cả nếu được làm lại, “thay đổi lịch sử” vẫn sẽ là một việc rất khó khăn. Ông nhấn mạnh về “cái giá đắt” mà người dân Vũ Hán đã phải trả trong quá trình phong tỏa, qua đó đã “mua thêm thời gian” cho phần còn lại của Trung Quốc và thế giới.
“Công tác khống chế dịch đã có tác dụng và đã cho phép phần còn lại của Trung Quốc có khả năng ngăn chặn bùng phát một cách rất hiệu quả. Biểu đồ của dịch bệnh và số ca nhiễm rất thấp bên ngoài tỉnh Hồ Bắc là một minh chứng cho những thành công và hiệu quả này”, ông nói. “Quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng các thiếu sót trên không phải chỉ có ở riêng Trung Quốc, và rất ít quốc gia trên thế giới đang cho thấy tốc độ hành động nhanh hơn”.
Từ vấn đề khẩn cấp quốc tế đến đại dịch toàn cầu
Sau hai cuộc họp với Ủy ban Khẩn cấp của WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30/1 đã tuyên bố căn bệnh mới là tình trạng khẩn cấp quy mô quốc tế về y tế công cộng. Đây là mức cao nhất trong thang đánh giá rủi ro của tổ chức này.
Sau đó, WHO đã thiết lập thứ mà tiến sĩ Galea gọi là “phác đồ nghiên cứu”, và bắt đầu vận chuyển bộ kit xét nghiệm và dụng cụ bảo hộ cá nhân đến cho các quốc gia. Vào tuần trước, WHO đã thông báo rằng Covid-19 được coi là một đại dịch toàn cầu.
“Khi bạn nhận ra rằng tình trạng khẩn cấp quốc tế đã được tuyên bố từ hôm 30/1, vậy mà giờ đây khi chúng ta nói chuyện đã là giữa tháng 3, một điều rất quan trọng phải hiểu là bất cứ quốc gia nào chưa chú ý đến lời kêu gọi giờ đây sẽ phải hành động và hành động rất nhanh chóng, đặc biệt là chuẩn bị cho người dân bằng cách truyền đạt cho họ về nguy cơ và rủi ro”, tiến sĩ Galea cho biết.
Chia sẻ những bài học đã nắm được
Với số ca nhiễm ở Trung Quốc đang giảm mạnh, WHO đang nỗ lực chia sẻ những bài học đã học được từ đây để giúp các quốc gia còn lại hiện đang đối mặt với Covid-19.
Bác sĩ Galea khen ngợi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vì đã hợp tác kịp thời với WHO. Những sự liên lạc sớm và thường xuyên đã dẫn đến việc chia sẻ chuỗi gien của con virus, cũng như các đặc điểm chi tiết phục vụ cho việc thiết kế bộ kit xét nghiệm để các nước khác cũng có thể nhận biết virus.
Hình ảnh phóng to từ kính hiển vi cho thấy virus Sars-CoV-2 xâm nhập cơ thể (màu xanh) |
“Kết luận lớn nhất là Trung Quốc cho rằng vòng đời của của dịch bệnh có thể thay đổi. Thông thường, những đại dịch như thế này sẽ phát triển theo cấp số nhân, sẽ đạt đến một đỉnh điểm cực cao, sau đó sẽ tụt giảm một cách tự nhiên sau khi tất cả những người có nguy cơ cao đều đã bị nhiễm bệnh. Qua nhiều cách khác nhau, việc này đã không xảy ra ở Trung Quốc”, ông nói.
“Ví dụ biểu đồ diễn biến của các sự kiện – hay chúng tôi còn gọi là đường cong dịch, ghi lại con số các ca nhiễm qua thời gian – tỏ ra rất không tự nhiên. Đây là một đại dịch đã bị kìm lại khi trong quá trình phát triển, và bị chặn đứng giữa đường đi. Việc này là rất rõ ràng từ những dữ liệu chúng tôi thu thập được, cũng như những quan sát của chúng tôi từ xã hội nói chung”, ông Galea cho biết.
“Vậy nên đây là một bài học lớn, rằng vòng đời tự nhiên của dịch bệnh không cần phải chạm đến một đỉnh điểm quá cao, gây quá tải cho các dịch vụ y tế. Từ đó, bài học về khống chế dịch bệnh là một bài học mà các nước khác có thể học tập và áp dụng vào hoàn cảnh khác nhau ở mỗi quốc gia”.
Sử dụng các công cụ
Một bài học nữa cho đến thời điểm hiện tại là tầm quan trọng của việc có một hệ thống y tế quốc gia vững mạnh. Tiến sĩ Galea cũng nhấn mạnh sự cần thiết của công tác chuẩn bị, và giá trị của việc đảm bảo rằng tất cả người dân đều có điều kiện sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế.
Biểu đồ dịch bệnh. Đường cong đỏ thể hiện vòng đời tự nhiên, so với diễn biến sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn (màu xám). Đường ngang vạch đứt thể hiện giới hạn khả năng của hệ thống y tế |
Ở mức độ cá nhân, ông Galea kêu gọi mọi người không nên hoảng loạn và tuân thủ các quy trình nhằm giảm thiểu rủi ro lây lan, như rửa tay đúng cách, che mũi và miệng khi hắt hơi, ho vào khuỷu tay, và làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể.
Tiến sĩ Galea khẳng định: “Mọi người có thể đã nghe những điều này rất nhiều lần rồi, nhưng có nhắc lại bao nhiêu lần, với mức độ kiên quyết đến thế nào cũng là không đủ. Đây là những phương cách mà hiện giờ chúng ta đang có. Hãy sử dụng chúng”.