Chuyên gia Nga dự đoán gì về giá dầu vào năm 2022?
Chuyên gia về thị trường chứng khoán tại công ty BCS World of Investments, ông Igor Galaktionov trong một cuộc phỏng vấn với tờ Prime nhận định giá dầu sẽ như thế nào vào năm 2022.
Theo đó, ông Galaktionov dự báo vào năm tới giá dầu sẽ giảm dần do nguồn cung dư thừa.
Tuy nhiên, mức giá trung bình hàng năm có thể không khác nhiều so với mức 71 USD/thùng được ghi nhận vào năm 2021. Dự báo này đưa ra cho thấy giá dầu sẽ không tăng trong những ngày tới.
Đồng thời, ông Galaktionov kêu gọi không nên vội vàng với dự báo giá dầu giảm. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 15/12 cho thấy nhu cầu vẫn mạnh.
Giá dầu chịu áp lực giảm giá mạnh khi nguồn cung dầu lại khá dồi dào. (Ảnh: Pixabay) |
“Dự trữ dầu và các sản phẩm dầu mỏ tiếp tục giảm, trong khi lượng nhiên liệu giao hàng tuần từ các nhà máy lọc dầu của Mỹ đạt kỷ lục 23 triệu thùng/ngày”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo chuyên gia từ BCS World of Investments, các yếu tố trên bù trừ lẫn nhau vì vậy tuần tới một thùng dầu Brent có thể có giá trong khoảng 72,5-76 USD. Ngoài ra, tình hình còn bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến chủng Omicron và phản ứng của cộng đồng thế giới đối với chủng virus này.
“Tình hình xấu đi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu và thúc đẩy đà giảm xuống còn 70-72 USD/thùng dầu Brent”, ông Galaktionov kết luận.
Trước đó, công ty BCS World of Investments có nhận định lạc quan hơn khi dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 80 USD/thùng vào năm 2022 do nhu cầu nhiên liệu hàng không sẽ phục hồi khi đại dịch kết thúc, đồng thời thỏa thuận OPEC+ được giữ nguyên.
Công ty này không ngoại trừ khả năng giá dầu tiếp tục tăng nếu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay trầm trọng hơn. Ví dụ, nhu cầu dầu diesel phục vụ cho sản xuất điện có thể tăng thâm 1-2 triệu thùng/ngày, gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong thời gian ngắn.
Theo các chuyên gia, các yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 chủ yếu liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hoặc những động thái của các nhà sản xuất dầu hàng đầu như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) với Mỹ, cũng như các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, dòng tín dụng mới từ các ngân hàng trung ương đang hỗ trợ giá dầu tăng. Tuy nhiên, các công ty dầu đá phiến Mỹ không vội tăng sản lượng, mà thay vào đó là ưu tiên thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lợi ích của cổ đông.
Thanh Bình (lược dịch)
Châu Âu ‘hú vía’ vì giá khí đốt
Ông Carlos Torres Diaz, người phụ trách mảng thị trường năng lượng và khí đốt của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) chia sẻ với Guardian, Nga tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách duy trì giá khí đốt cao ở châu Âu.